Tạ Nhị ·
2 năm trước
 2859

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô hướng đến bám sát thực tiễn

Quy hoạch xây dựng Hà Nội, nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng (QHCXD) Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Với nhiều ý kiến đóng góp xác đáng, sát thực tiễn của cộng đồng, chắc chắn đồ án được lập sẽ đảm bảo tính khả thi, hiệu quả trong thực hiện.

Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cộng đồng dân cư đối với Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng (QHCXD) Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Theo lãnh đạo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, sau khi Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 (gọi tắt là QHCXD Thủ đô) đã có tổng số 1.170 đồ án quy hoạch được lập, bao gồm cả các đồ án được lập để cụ thể hóa QHCXD Thủ đô và các đồ án phải lập điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu đầu tư xây dựng, phát triển đô thị.

Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng (QHCXD) Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh minh họa)

Quá trình triển khai thực hiện quy hoạch đã phát sinh một số vấn đề vướng mắc như điều chỉnh vị trí Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, Trung tâm thể dục thể thao, một số tuyến đường chính đô thị, các khu chức năng đô thị… Do có thay đổi so với định hướng QHCXD Thủ đô, phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung. Bên cạnh đó, việc triển khai các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đã có những vấn đề mới, đề xuất mới cần phải nghiên cứu khớp nối và xem xét trên tổng thể Quy hoạch chung toàn TP và kết nối liên vùng.

Cùng với tiến trình phát triển đô thị, một số vấn đề chưa được đề cập tại QHCXD Thủ đô nay đang trở thành xu hướng quan trọng trong phát triển đô thị như: Đô thị tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu; đô thị thông minh; khai thác không gian xây dựng ngầm đô thị gắn kết với công trình theo mô hình TOD; các dự án trọng điểm như đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị… và các yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị và nông thôn trên địa bàn.

Một số quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực quy hoạch đô thị đã được sửa đổi trong 10 năm qua, bổ sung, ban hành mới. Ngoài ra, có sự điều chỉnh về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia, cấp vùng ảnh hưởng tới tính chất, chức năng, định hướng phát triển Thủ đô. Cùng với đó, định hướng phát triển tại các khu vực Đông Anh, Gia Lâm, Yên Viên, Long Biên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; định hướng phát triển các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng thành quận…

Đặc biệt là Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với công tác quy hoạch và phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội cần phải xem xét rà soát điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu phát triển.

UBND TP đang triển khai tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch có tầm bao quát lớn, tích hợp đồng bộ các quy hoạch chuyên ngành, lĩnh vực có liên quan trên địa bàn toàn TP, gắn với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng.

Do đó, cần thiết phải triển khai công tác lập Điều chỉnh tổng thể QHCXD Thủ đô để đảm bảo việc nghiên cứu triển khai đồng thời, đồng bộ, thống nhất với Quy hoạch Thủ đô đang nghiên cứu, các quy hoạch ngành quốc gia và Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Với những yêu cầu thực tiễn nêu trên, có thể khẳng định việc lập Điều chỉnh tổng thể QHCXD Thủ đô là rất cần thiết và cấp bách. TP.Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được chấp thuận chủ trương Điều chỉnh tổng thể QHCXD Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 tại Văn bản số 383/TTg-CN ngày 26/3/2021.

Quy hoạch dựng Thủ đô nhiều ý kiến đóng góp sát thực tiễn

Về việc thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.Hà Nội đã giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tổ chức lập Điều chỉnh tổng thể QHCXD Thủ đô. Hiện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đang phối hợp với UBND các quận, huyện tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cộng đồn dân cư đối với nội dung Nhiệm vụ Điều chỉnh tổng thể QHCXD Thủ đô theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng. Qua các hội nghị lấy ý kiến trực tiếp đã có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, xác đáng cho đồ án.

Sơ đồ quy hoạch đường Vành đai 4. (Ảnh: Kinhte)

Góp ý với nhiệm vụ quy hoạch, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh đề nghị đơn vị tư vấn cần cập nhật Chương tình số 03 của Thành ủy ngày 17/3/2021 về chỉnh trang, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025. Đồng thời bổ sung thêm nội dung Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV ngày 16/6/2022 đã biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Cùng với đó, Bí thư Huyện ủy Thường Tín đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu bổ sung quy hoạch các khu, cụm công nghiệp của huyện Thường Tín để phấn đấu giai đoạn 2025-2030 trở thành quận của TP Hà Nội, với hướng quy hoạch đô thị công nghiệp, du lịch dịch vụ nông nghiệp cao, sản xuất làng nghề phát triển là nguồn kinh tế mũi nhọn của huyện. Cùng với đó, bổ sung quy hoạch lĩnh vực phát triển văn hóa xã hội ngang tầm với phát triển kinh tế, cần quy hoạch các vùng phụ trợ về giao thông, khu xử lý rác thải sinh hoạt cho Thủ đô…

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng trong khi đó đề nghị nghiên cứu định hướng phát triển đô thị, thương mại dịch vụ phía Tây Nam tuyến đường Vành đai 4 đoạn qua địa phận huyện Thanh Oai và dọc tuyến đường trục phát triển phía Nam Cienco5 làm tiền đề định hướng để Thanh Oai phát triển lên quận giai đoạn sau năm 2026 đồng thời làm cơ sở để UBND huyện lập Quy hoạch xây dựng vùng huyện hiện đang triển khai.

Cùng với đó, định hướng quy hoạch một số tuyến đường kết nối vùng huyện, vùng liên huyện lân cận như Chương Mỹ, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa. Ngoài ra, lãnh đạo huyện Thanh Oai có ý kiến về việc nghiên cứu định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn huyện như quy hoạch hệ thống cấp nước, thoát nước thải, điện chiếu sáng... tạo điều kiện cho huyện thực hiện mục tiêu phấn đấu lên quận sau năm 2026 theo định hướng của Thành ủy Hà Nội.

Đối với huyện Đan Phượng, lãnh đạo UBND huyện có ý kiến về việc bổ sung vùng đô thị hóa phía Bắc thị trấn Phùng với diện tích hơn 1.500 ha. Đồng thời, nghiên cứu điều chỉnh tăng diện tích Cụm công nghiệp tại xã Phương Đình, bổ sung một số tuyến đường trên địa bàn huyện. Ngoài ra, đề nghị nghiên cứu phân bố lại trạm xử lý nước thải và không thực hiện nghĩa trang tập trung 30 ha tại xã Hồng Hà theo quy hoạch được duyệt năm 2011…

Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh: TP.Hà Nội với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính Quốc gia, là đô thị đặc biệt, hạt nhân của vùng Đồng bằng sông Hồng, việc triển khai công tác lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với nội dung Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể QHCXD Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Qua đó, nhằm xác định các định hướng quy hoạch phù hợp với thực tiễn, nhận diện những hạn chế, tồn tại. Đồng thời, đây cũng là dịp, cơ hội để cán bộ và Nhân dân các địa phương được đề xuất một số định hướng để quy hoạch huyện mình trong quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, chất lượng sống là cơ bản.

Nguồn: Kinh tế Môi trường