Bích Ngọc ·
1 tuần trước
 12709

Quyền lợi của người mua trái phiếu của SCB khi nào được giải quyết?

Trong giai đoạn 2 của vụ án này, quyền lợi của người dân khi mua trái phiếu của SCB sẽ được giải quyết?

Theo đại diện lãnh đạo TAND TP.HCM, vụ án Vạn Thịnh Phát sẽ có 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan đã kết thúc.

Tại phần tuyên án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan tử hình (về các tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; tham ô tài sản và đưa hối lộ). Còn 85 bị cáo khác lại nhận mức án từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến tù chung thân.

Bên cạnh đó, HĐXX còn buộc bị cáo Trương Mỹ Lan chịu trách nhiệm bồi thường 673.849 tỉ đồng tương đương dư nợ 1.243 khoản vay tại ngân hàng SCB.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Ngay sau khi phiên tòa sơ thẩm khép lại, tại các hội nhóm trên mạng xã hội, nhiều người thắc mắc về việc giải quyết quyền lợi cho những người đã mua trái phiếu của SCB như thế nào?

Các trái chủ cho rằng phần lớn tài sản của tập đoàn Vạn Thịnh Phát có được là do Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tiền của SCB mua. Vậy khách hàng (nạn nhân) của SCB mang tiền gửi tiết kiệm ngân hàng nhưng sau cùng lại thành mua trái phiếu các công ty con, công ty liên kết và các công ty liên quan thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát thì sẽ được giải quyết ra sao?

Liên quan đến vấn đề này, tại thời điểm trước khi bắt đầu diễn ra phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan, theo đại diện TAND TP.HCM, vụ án sẽ có hai giai đoạn và phiên tòa này là giai đoạn 1 của vụ án.

Giai đoạn 1 tập trung điều tra, truy tố, xét xử các bị cáo liên quan đến các hành vi tội tham ô tài sản; vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ... để tập trung thu hồi tài sản, làm tiền đề giải quyết cho giai đoạn 2 của vụ án là xử lý các sai phạm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.

Qua đó có thể thấy, phiên xử vừa tạm khép lại, các cơ quan tố tụng giải quyết những vấn đề liên quan đến sai phạm trong hoạt động ngân hàng, sai phạm liên quan đến các cựu cán bộ ngân hàng vì đã bao che cho bà Trương Mỹ Lan.

Đối với các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có việc các khách hàng của SCB gửi tiền tiết kiệm sau đó bị chuyển đổi thành trái phiếu  trong giai đoạn 2 của vụ án sẽ được xem xét.

Trong giai đoạn 2 này, các cơ quan tố tụng tập trung điều tra, truy tố và xét xử về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền.

Chính vì thế, trong giai đoạn 2 của vụ án quyền lợi của người dân khi mua trái phiếu sẽ được giải quyết.

Ngày 12/4, tại cuộc họp báo của Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, đã thông tin bước đầu liên quan thi hành án trong vụ án Vạn Thịnh Phát.Cụ thể, ngay trong giai đoạn cơ quan điều tra, truy tố, Tổng cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo các cơ quan thi hành án tiến hành kiểm tra thủ tục pháp lý đối với tài sản, vật chứng để bảo đảm thi hành án về sau.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, vụ án Vạn Thịnh Phát là vụ án lớn, được dư luận đặc biệt quan tâm, có nhiều bị hại. Với tính chất đó, Tổng cục đã chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự TP HCM xây dựng kế hoạch chi tiết, bố trí nguồn lực, cử cán bộ chuẩn bị cho công tác thi hành án. Ngay khi bản án có hiệu lực, với sự chuẩn bị từ sớm, cơ quan thi hành án sẽ tổ chức thi hành theo đúng quy định pháp luật.

Về việc thu hồi các tài sản bị tuồn ra nước ngoài, đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết thực hiện qua kênh hỗ trợ tư pháp. Cụ thể là theo các hiệp định hỗ trợ tư pháp hoặc trên cơ sở có đi có lại giữa các nước.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7667795163280173/?