Thuỳ Linh ·
3 năm trước
 1579

Rừng nguyên sinh bị tàn phá nặng nề trong năm 2020

Theo một nghiên cứu mới nhất được công bố ngày 30/3, diện tích rừng nguyên sinh bị đốt hoặc chặt phá trong năm 2020 tương đương với diện tích nước Hà Lan.

Theo đó, dựa trên dữ liệu vệ tinh của Tổ chức Theo dõi rừng toàn cầu cho thấy, Brazil là nơi chịu thiệt hại nặng nhất, diện tích rừng bị phá hủy tại nước này cao gấp 3 lần so với quốc gia xếp thứ hai là CHDC Congo. Đặc biệt, trong năm 2020, có tới 4,2 triệu ha rừng nguyên sinh tại các vùng nhiệt đới bị phá hủy, cao hơn 12% so với năm trước đó. Tính tổng cộng trong năm 2020 các khu vực nhiệt đới đã bị mất 12,2 triệu ha diện tích cây xanh, bao gồm các khu rừng và đất trồng cây, chủ yếu do hoạt động nông nghiệp.

Nạn phá rừng Amazon tại Brazil đã tăng lên mức cao nhất trong 12 năm. (Ảnh: AFP)

Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng nắng nóng cực đoan và hạn hán cũng gây ra cháy rừng, thiêu rụi nhiều khu rừng rộng lớn ở Australia, Siberia và sâu trong khu vực Amazon. Theo tác giả Frances Seymour, thành viên của Viện Tài nguyên Thế giới nhận định rằng, những thiệt hại này phản ánh tình trạng khẩn cấp về biến đổi  khí hậu. Đây không chỉ là khủng hoảng về hệ sinh thái, mà còn là thảm họa nhân đạo, tổn thất tiềm năng kinh tế.

Đáng chú ý, một nghiên cứu khác của Viện Tài nguyên Thế giới chỉ ra rằng, tính trung bình, cứ 6 giây, một diện tích rừng tương đương một sân bóng đá bị biến mất. Rừng Amazon của Brazil là khu vực chịu áp lực rất lớn trong những thập kỷ qua khi phát triển nông nghiệp bùng nổ.

Nghiên cứu đã đưa ra một số bằng chứng cho thấy các biện pháp hạn chế các nước áp dụng để phòng chống dịch Covid-19 cũng tác động đến xu hướng này trên toàn thế giới, khi làm tăng tỉ lệ khai thác bất hợp pháp do các khu rừng không còn được bảo vệ. Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng hậu quả tồi tệ nhất sẽ xảy đến nếu các nước dừng công tác bảo vệ rừng vì mục đích kinh tế. Tuy nhiên, theo Seymour, "dấu hiệu xấu nhất" trong năm ngoái là việc các khu rừng trở thành nạn nhân của biến đổi khí hậu, theo đó các vùng đầm lầy vẫn đang cháy.

Theo đó, cây cối và đất đai hấp thụ tới hơn 30% lượng carbon do các hoạt động ô nhiễm của con người thải ra mỗi năm, do đó việc các khu rừng nhiệt đới tiếp tục biến mất một cách nhanh chóng sẽ gây ra những thiệt hại không thể bù đắp cho hệ sinh thái của Trái Đất.

Các nhà khoa học cũng nhấn mạnh việc phá hủy các khu rừng nguyên sinh nhiệt đới trong năm 2020 đã thải ra 2,64 tấn CO2, tương đương lượng khí thải hằng năm của Ấn Độ, hay của 570 triệu ô tô, hoặc gấp đôi lượng khí thải của toàn bộ xe đang lưu thông tại Mỹ. Tác giả Seymour cũng cảnh báo rằng, thế giới càng trì hoãn ngăn chặn nạn phá rừng, hay chậm trễ thực hiện mục tiêu trung hòa khí thải, thì nhiều khả năng các khu rừng tự nhiên hấp thụ CO2 trên Trái Đất sẽ biến mất hoàn toàn.

Ngoài ra, rừng bao phủ hơn 30% diện tích Trái Đất, trong khi rừng nhiệt đới là nơi sinh sống của 50-90% các loài sinh vật trên mặt đất. Bên cạnh đó, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Ecology & Evolution đã ước tính nhu cầu hàng hóa ngày càng tăng ở các nước giàu có, và đang làm gia tăng tốc độ phá rừng tại các khu vực nhiệt đới. Các nghiên cứu gần đây cảnh báo đến một ngưỡng nào đó, tình trạng phá rừng tại Amazon có nguy cơ làm thay đổi khí hậu của cả khu vực, biến rừng nhiệt đới thành thảo nguyên.

Tại Brazil, chính phủ đã cắt giảm ngân sách cho các chương trình môi trường, khiến nhiều vùng đất của Amazon bị khai thác tài nguyên và sản xuất nông nghiệp, dẫn đến 1,7 triệu ha rừng nguyên sinh bị phá hủy trong năm 2020, tăng 25% so với năm 2019. Trong khi đó, vùng đầm lầy nhiệt đới Pantanal, thiên đường của hệ sinh thái trải dài từ Brazil đến Bolivia, cũng hứng chịu nhiều trận hỏa hoạn. Bolivia là quốc gia có tỉ lệ phá rừng cao thứ 3 trên thế giới trong năm 2020.

Indonesia là một điểm sáng khi giảm tỉ lệ phá rừng ở mức 17% so với năm 2019 và lần đầu tiên trong 20 năm thoát khỏi nhóm 3 nước có tỉ lệ phá rừng cao nhất trên thế giới. Tỉ lệ phá rừng tại Indonesia đã giảm 4 năm liên tiếp. Các nhà nghiên cứu nhận định trong điều kiện thời tiết ẩm ướt vào năm ngoái, kết hợp với các chính sách của chính phủ, đã có tác động tích cực lâu dài đối với tình trạng phá hủy rừng nguyên sinh. 

Mỗi năm Việt Nam mất đi gần 2.500 ha rừng

Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm diện tích rừng ở nước ta giảm 2.430 ha. Trong 4 năm từ 2016-2019, diện tích rừng bị thiệt hại lên tới 7.283 ha.

Thực tế cho thấy, diện tích rừng phòng hộ ở nước ta hiện nay đang ngày càng suy giảm; thay vào đó là sự gia tăng nhanh chóng của diện tích rừng sản xuất. Nguyên nhân chính được xác định là do người dân đốt rừng làm nương rẫy và khai thác rừng tự nhiên trái phép. Báo cáo của Cục Kiểm lâm cho biết, tình trạng đốt rừng làm nương rẫy ở nước ta ngày càng phức tạp khiến cho cơ quan chức năng rất khó phát hiện.

Tây Nguyên có tổng diện tích tự nhiên 5.459.785 ha, tuy nhiên đến năm 2019 toàn khu vực Tây Nguyên có 3.239.600 ha đất lâm nghiệp, trong đó diện tích rừng chiếm 2.559.596 ha. Đây là một con số đáng báo động trước nguy cơ của thiên nhiên của cả khu vực duyên hải miền Trung, miền Đông Nam Bộ và vùng hạ lưu sông Mê Kông.

Dễ dàng nhận thấy, hậu quả của nạn phá rừng là tình trạng biến đổi khí hậu gia tăng, hiệu ứng nhà kính làm Trái Đất nóng lên, hạn hán, lũ lụt, nước biển dâng cao, ô nhiễm môi trường,… Theo số liệu thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai, trung bình mỗi năm nước ta phải hứng chịu 10-15 trận lũ quét, sạt lở đất. Khu vực phải hứng chịu nhiều nhất là vùng núi phía Bắc, Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. 

Thời tiết cực đoan, mưa lớn, mưa kéo dài mà lại không có rừng đầu nguồn bảo vệ là nguyên nhân chính kích hoạt lũ quét và sạt lở đất, cuốn theo cây cối, đất đá và cả tính mạng, tài sản của con người.

Nguồn