Linh Anh ·
3 năm trước
 3020

Rừng phòng hộ Kỳ Sơn bị 'bức tử': Hành trình bàn giao đất rừng về địa phương quản lý bao giờ sẽ hoàn tất?

Chỉ trong vòng 3 năm, có hàng chục ha rừng bị chặt, đốt trụi để trồng keo tràm cũng như mở đường, ngăn ao,… Trước tình trạng này, không ít bài báo đã phản ánh và đặt câu hỏi cho trách nhiệm của Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn trong công tác bảo vệ rừng...

Khoảng năm 2018 đổ về trước diễn biến rừng trên địa bàn Nghệ An, đặc biệt là khu vực 2 huyện vùng cao là Tương Dương và Kỳ Sơn thực sự phức tạp với hàng loạt vụ phá rừng quy mô gây chấn động. Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn xã Kỳ Sơn, diện tích rừng bị mất vẫn không thuyên giảm, thậm chí quy mô phá rừng ngày càng lớn. Có thể nhận thấy tình trạng phá rừng tại Kỳ Sơn là tình trạng nhức nhối và đã nhiều năm không được giải quyết triệt để. 

Chỉ trong vòng 3 năm, có hàng chục ha rừng bị chặt, đốt trụi để trồng keo tràm cũng như mở đường, ngăn ao, xây dựng nhiều công trình trang trại trong rừng… Trước tình trạng này, không ít bài báo đã phản ánh và đặt câu hỏi cho trách nhiệm của Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn trong công tác bảo vệ rừng. 

bảo vệ rừng phòng hộ Kỳ Sơn

Tang vật của vụ án phá rừng tại xã Na Ngoi và Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn từ năm 2017

Được biết, Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn đang được giao quản lý khoảng 170.000 ha, kế hoạch sẽ bàn giao về địa phương quản lý hơn phân nửa nhằm bảo vệ rừng, đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh trong xu thế mới. Thế nhưng kế hoạch giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp GCN-QSDĐ trên địa bàn này vẫn "ngâm" trong một lộ trình chưa biết bao giờ mới hoàn tất. 

Theo ghi nhận tại Nông Nghiệp, ngày 15/7/2021 đơn vị đã gửi Sở Tài chính Công văn đề nghị phê duyệt phương án sắp xếp xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP. Sau đó, Sở Tài chính có văn bản phản hồi với nội dung như sau: Diện tích rừng và đất lâm nghiệp không thuộc đối tượng sắp xếp theo Nghị định 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 cùa Chính phủ (về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 167/2017/NĐ-CP - PV) mà thực hiện theo quy định của pháp luật về luật đất đai, pháp luật lâm nghiệp và pháp luật có liên quan.

Bám vào đây, Ban tiếp tục tiếp tục làm Công văn gửi Sở TN-MT đề nghị thẩm định diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp để làm cơ sở điều chỉnh.

Dự kiến đơn vị giữ lại 77.480,74 ha, sẽ bàn giao về cho chính quyền địa phương quản lý, sử dụng 95.215,55 ha (đất rừng phòng hộ trên 7.207 ha; đất rừng sản xuất trên 64.318 ha; đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp trên 23.599 ha). Rạch ròi là vậy nhưng đến tận thời điểm này, chưa có bất kỳ diện tích nào hoàn thiện xong thủ tục. 

Đến nay việc bàn giao hơn 95.000 ha đất của BQL RPH Kỳ Sơn về cho chính quyền địa phương quản lý, sử dụng vẫn chưa được thực hiện.

rừng phòng hộ Kỳ Sơn

Rừng phòng hộ xã Nam Sơn bị chặt phá tan hoang năm 2017

Trong khi đó, tại Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn đang tồn tại "dớp" luân chuyển lãnh đạo, trong khoảng 10 năm trở lại đây thôi cơ cấu thượng tầng thay đổi liên tục.

Gần đây nhất, sau khi ông Cao Văn Quỳnh rời cương vị Trưởng ban, ông Lê Phùng Diệu lên nắm quyền chưa ấm chỗ thì lập tức vướng vòng lao lý, nguyên do xuất phát từ những sai phạm khi còn công tác tại BQL RPH Quỳ Hợp. Đến nay, vị trí này còn… bỏ ngỏ. 

Còn nhớ vào tháng 9/2020, Công an huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) nhận được đơn của người dân tố cáo về việc lãnh đạo Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quỳ Hợp bán rừng phòng hộ đầu nguồn và tình trạng khai thác rừng trái phép xảy ra tại xã Bắc Sơn và xã Nam Sơn. 

Sau khi điều tra làm rõ, đến tháng 1/2021, Cơ quan CSĐT Công an huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Phùng Diệu (48 tuổi) - Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ (RPH) Kỳ Sơn và ông Nguyễn Hồng Lĩnh (52 tuổi) - Phó trưởng Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ" quy định tại Khoản 2, Điều 356, Bộ Luật Hình sự.

rừng phòng hộ Kỳ Sơn

Công an khám xét nơi làm việc của ông Lê Phùng Diệu

Cơ quan điều tra xác định: vào tháng 6/2020, Lê Phùng Diệu lúc này đang là Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Hợp cùng với Phó trưởng ban Nguyễn Hồng Lĩnh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo tổ chức bán và cho phép khai thác 368 cây gỗ keo trên diện tích gần 2,3 ha rừng phòng hộ tại Khoảnh 7, Tiểu khu 332, xã Bắc Sơn (thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ) trái với quy định của pháp luật, gây thiệt hại tài sản Nhà nước gần 400 triệu đồng. Một thời gian ngắn sau khi bán rừng trái quy định, ông Diệu và ông Lĩnh được điều chuyển đến vị trí công tác khác.

Sau lùm xùm này, vị trí Trưởng ban vẫn khuyết, như vậy hoàn thiện phương án kiện toàn, bổ nhiệm vị trí Trưởng ban là điều cần thiết để tạo thuận tiện trong công tác chỉ đạo việc bảo vệ quản lý rừng Kỳ Sơn. Thêm nữa, đơn vị cho rằng cũng cần thiết tăng cường thêm biên chế cho Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn vì diện tích quản lý quá lớn. 

Trước những vướng mắc kể trên, dư luận đặt câu hỏi rằng kế hoạch giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp GCN-QSDĐ trên địa bàn Kỳ Sơn bao giờ mới hoàn tất?