Xử phạt 12 chủ đầu tư hơn 13 tỷ đồng
Thông tin tại buổi họp báo thường kỳ quý I của Bộ Xây dựng diễn ra ngày 24/4, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, đến thời điểm này, Thanh tra Bộ Xây dựng đã hoàn thành và ban hành kết luận thanh tra đối với 5 địa phương, trong đó có nhiều vi phạm liên quan đến công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư (2%).
Căn cứ của kết luận trên là quyết định thanh tra năm 2023 do Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt. Nội dung thanh tra là việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản, thực hiện xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang.
Nhiều chủ đầu tư bị xử phạt do có vi phạm liên quan đến quản lý, sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư.
Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Bộ Xây dựng đã lập nhiều biên bản xử lý vi phạm liên quan đến quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư.
Qua thanh tra đối với 19 chủ đầu tư, nhà đầu tư và ban quản trị nhà chung cư. Thanh tra Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 12/19 chủ đầu tư số tiền 13,3 tỷ đồng, trung bình 1,1 tỷ đồng/chủ đầu tư.
Yêu cầu chủ đầu tư quyết toán và bàn giao kinh phí bảo trì
Cũng theo đại diện lãnh đạo Thanh tra Bộ Xây dựng, sau khi tiến hành lập biên bản xử phạt đối với những sai phạm, Thanh tra Bộ cũng yêu cầu các chủ đầu tư phải thực hiện một số công việc: Khi đủ điều kiện theo quy định thì phải tổ chức hoặc đề nghị UBND cấp xã tổ chứchội nghị nhà chung cư lần đầu; Thống nhất với Ban quản trị về phần diện tích, thiết bị thuộc sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở để bàn giao quỹ bảo trì chung cư; Bàn giao đầy đủ hồ sơ nhà chung cư cho Ban quản trị...
Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng buộc 10/12 chủ đầu tư phải mở và gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì số tiền 254,1 tỷ đồng (trung bình 25,4 tỷ đồng/chủ đầu tư);
Buộc 6 chủ đầu tư quyết toán và bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị số tiền 513,8 tỷ đồng, trung bình đã chuyển 85,6 tỷ đồng/ ban quản trị (bao gồm cả % phần diện tích chủ đầu tư giữ lại). Đồng thời kiến nghị kiểm điểm đối với 19 tập thể 14 cá nhân để xảy ra vi phạm, tồn tại.
Thời gian qua đã xảy không ít vụ việc tranh chấp, khiếu kiện tại các chung cư, trong đó có tranh chấp liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì, khiếu nại liên quan đến kinh phí bảo trì chiếm khoảng 36%, đứng thứ hai trong tổng số vụ tranh chấp tại các chung cư.
Nổi lên là tranh chấp xảy ra giữa cư dân - chủ đầu tư và giữa cư dân - ban quản trị do quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chưa đúng quy định. Nguyên nhân xảy ra tranh chấp thời gian qua một phần do pháp luật chưa quy định rõ ràng về cách tính diện tích chung - riêng; chế tài xử phạt hành vi vi phạm chưa phù hợp... Ngoài ra, vai trò quản lý Nhà nước của các cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương còn mờ nhạt...
Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã ra Nghị định 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP. Văn bản này đã quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều trong Luật Nhà ở 2014. Theo đó, bổ sung thủ tục cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư, ban quản trị nhà chung cư có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định.
Có thể xử lý hình sự chủ đầu tư cố tình chiếm đoạt
Luật sư Phạm Ba Đô (Công ty luật TNHH SJKLaw) nhận định, Nghị định 30 là tín hiệu tốt trong việc bảo vệ quyền lợi cho người dân. Văn bản pháp luật này đã “nắn gân” các chủ đầu tư làm ăn gian dối, thể hiện tinh thần quyết tâm chấn chỉnh thực trạng gây bức xúc trong nhiều năm qua của Nhà nước.
Theo Khoản 3 Điều 36 Nghị định về bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu, trường hợp chủ đầu tư không nộp kinh phí bảo trì hoặc không bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định thì chủ đầu tư bị xử phạt vi phạm hành chính, bị cưỡng chế bàn giao theo quy định tại Điều 37 của Nghị định này; ngoài ra, tùy từng trường hợp, chủ đầu tư còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Khoản 4 Điều 37 Nghị định này nêu rõ: “Trong quá trình thực hiện cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị nhà chung cư, nếu phát hiện chủ đầu tư có hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật”.
“Về hành vi của chủ đầu tư không bàn giao quỹ bảo trì chung cư phải xét hai trường hợp khác nhau về động cơ. Thứ nhất, chủ đầu tư không có ý định chiếm dụng mà có lý do khác chưa thể bàn giao quỹ bảo trì. Đây là giao dịch dân sự và người dân có thể kiện chủ đầu tư ra tòa để đòi tiền theo hợp đồng theo đúng quy định.
Trường hợp thứ hai, là chủ đầu tư cố tình chiếm đoạt số tiền 2%, thì hoàn toàn có thể bị truy tố tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 với mức án cao nhất là 5 năm tù” - Luật sư Phạm Ba Đô nói.
Luật sư Đô phân tích, hợp đồng được ký kết giữa người dân và chủ đầu tư là thứ tạo niềm tin cho khách hàng rằng quỹ bảo trì sẽ được công ty sử dụng đúng - và đây chính là yếu tố cấu thành “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Bên cạnh đó, với tội danh này, cơ quan điều tra có thể khởi tố mà không cần người dân yêu cầu (Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015), qua kết quả điều tra xem chủ đầu tư có mục đích chiếm đoạt quỹ bảo trì hay không.