Bích Ngọc ·
2 năm trước
 1496

Sản xuất công nghiệp có xu hướng phục hồi mạnh mẽ

Theo Báo cáo từ Tổng cục Thống kê, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, với tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 12,12% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê công bố, sản xuất công nghiệp quý III/2022 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 12,12% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2022 ước tính tăng 9,63% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 7,16%; quý II tăng 9,51%; quý III tăng 12,12%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69% (quý I tăng 7,85%; quý II tăng 11,07%; quý III tăng 13,02%), đóng góp 2,74 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,71%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,03%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 4,42%, đóng góp 0,15 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Sản xuất công nghiệp quý III/2022 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2022 tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 tăng 2,8%).

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2022 tăng 7,3% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 13,4% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 28,2%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2022 là 76,4% (bình quân 9 tháng năm 2021 là 81,1%).

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 9 tháng năm 2022 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Bia tăng 35,8%; thủy hải sản chế biến tăng 20,4%; linh kiện điện thoại tăng 17,3%; ô tô tăng 16,5%; thép thanh, thép góc tăng 15,4%; quần áo mặc thường tăng 13,2%; thuốc lá điếu tăng 11,4%; giày, dép da tăng 10,2%; sơn hóa học tăng 10,1%; bột ngọt tăng 9,6%.

Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Sắt, thép thô giảm 13,7%; điện thoại di động giảm 5.8%; phân hỗn hợp NPK giảm 4,1%; thức ăn cho thủy sản giảm 3,3%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 3,1%; khí hóa lỏng LPG giảm 2,5%; tivi các loại giảm 1,8%; dầu thô khai thác giảm 0,6%.

Theo các chuyên gia, sản lượng ngành sản xuất đã lấy lại động lực tăng trong tháng 8 sau khi đã chậm lại trong tháng 7 khi các công ty tiếp tục phục hồi từ đại dịch Covid-19 và có số lượng đơn đặt hàng mới tăng. Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 52,7 điểm trong tháng 8, tăng so với 51,2 điểm của tháng 7 cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất với 3 điểm nổi bật: Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm tăng mạnh hơn; Tốc độ tăng chi phí đầu vào đã chậm lại đáng kể; Thời gian giao hàng của nhà cung cấp được rút ngắn lần đầu trong 33 tháng. Đây là những điều kiện thuận lợi để sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi nhanh trong tháng 9 và 9 tháng/2022.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi nhanh ở cả ba khu vực kinh tế. Trong 9 tháng năm 2022, GDP tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,04% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, đóng góp 41,79%; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%. Khu vực dịch vụ tăng 10,57%, đóng góp 54,17%; trong đó nhiều ngành dịch vụ thị trường tăng cao như bán buôn, bán lẻ tăng 10,24%; vận tải kho bãi tăng 14,2%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 41,7%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,05%.