Viện Địa chất Quốc gia Tây Ban Nha cho biết, đã có 37 cơn địa chấn trong ngày 9/10, với cường độ mạnh nhất đo được là 4,1 độ Richter. Theo Viện Mỏ và Địa chất Tây Ban Nha, các khối magma nóng đỏ chảy xuống từ núi lửa Cumbre Vieja có kích thước tương đương tòa nhà ba tầng.
Những dòng dung nham nóng chảy đã phá hủy 1.186 tòa nhà kể từ khi núi lửa Cumbre Vieja phun trào hôm 19/9. Dung nham cũng nhấn chìm 493 ha đất. Khoảng 6.000 người đã phải sơ tán khỏi đảo La Palma, mơi cư trú của khoảng 83.000 người.
Từ 11/10, Hải quân Tây Ban Nha sẽ tham gia làm sạch tro bụi núi lửa đang bao phủ phần lớn hòn đảo, Bộ trưởng Quốc phòng Margarita Robles cho biết.
Dòng dung nham, với nhiệt độ lên tới 1.240 độ C, đã phá hủy một số tòa nhà cuối cùng còn sót lại tại làng Todoque, Viện Núi lửa Quần đảo Canary thông báo trên Twitter.
Vụ phun trào đã tạo ra những tia chớp vào đầu ngày 9/10.
Vụ phun trào đã tạo ra những tia chớp vào đầu ngày 9/10. Theo một nghiên cứu được công bố hồi năm 2016 bởi tạp chí Geophysical Research Letters, quá trình phun trào núi lửa có thể tạo ra sét do sự va chạm của các hạt tro tạo ra điện tích.
"Sự sụp đổ sườn phía bắc của núi lửa Cumbre Vieja đã giải phóng các khối vật chất lớn và làm xuất hiện những dòng chảy dung nham mới qua các khu vực đã được sơ tán", Bộ An ninh Quốc gia Tây Ban Nha tweet, "Dung nham đã tràn tới khu công nghiệp Camino de la Gata và các tòa nhà mới".
Tuy vậy, nhà điều hành không lưu Tây Ban Nha Aena cho biết, sân bay La Palma đã mở cửa trở lại sau khi bị đóng cửa từ ngày 7/10 vì tro bụi. Ngoài ra, tất cả các sân bay khác của Quần đảo Canary đều mở cửa.
Phát ngôn viên của Enaire, cơ quan kiểm soát việc điều hướng trong không phận Tây Ban Nha cho biết các hãng hàng không bay đến quần đảo Canary được khuyến cáo nạp thêm nhiên liệu trong trường hợp máy bay phải đổi hướng hoặc hoãn hạ cánh vì tro bụi.
Dung nham phun trào từ núi lửa Cumbre Vieja trên đảo La Palma, Tây Ban Nha. (Ảnh: Reuters)
Trao đổi với Reuters về mảnh đất mà ông Jose Roberto Sanchez thừa kế từ cha mẹ ở Todoque, phía Tây hòn đảo, Jose Roberto Sanchez cho biết: “Những ký ức về cha mẹ tôi, tài sản thừa kế mà tôi có ở đó, tất cả đều đã biến mất”.
Khoảng 6.000 dân đã được sơ tán khỏi nhà của họ trên đảo La Palma, nơi có hơn 83.000 người sinh sống.