Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, kỳ họp dự kiến diễn ra từ ngày 26/2-1/3 và sự tham gia của 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc để cùng thảo luận, giải quyết các vấn đề quan trọng về môi trường mà thế giới đang phải đối mặt.
Phát biểu trước báo giới, Giám đốc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) Inger Andersen cho biết, 6 chủ đề ưu tiên của kỳ họp lần này bao gồm: khan hiếm nước, khai thác một cách có trách nhiệm, quản lý khoáng sản nhất là phốt-pho, công nghệ biến đổi khí hậu, nguồn kinh phí cho các hành động môi trường và thực thi Khuôn khổ Côn Minh- Montreal.
Bà nhấn mạnh, kỳ họp là cơ hội để cộng đồng quốc tế cùng nhau hành động và thực hiện các giải pháp toàn cầu như đã hứa để mang đảm bảo tương lai của nhân loại trên một hành đinh mạnh khỏe, thịnh vượng.
Kỳ họp thứ 6 Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc khai mạc tại Kenya.
Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP)ông Inger Andersen nhận định: “Không ai trong chúng ta sống trên một hòn đảo. Chúng ta sống trên hành tinh Trái Đất và tất cả chúng ta đều kết nối với nhau”. Do đó, “cách duy nhất chúng ta có thể giải quyết các vấn đề này là thảo luận cùng nhau”.
Tại cuộc họp các quốc gia thành viên sẽ cùng thảo luận về một dự thảo nghị quyết về nhiều vấn đề mà hội đồng thông qua trên cơ sở đồng thuận. Nếu một đề xuất được thông qua, nó sẽ tạo tiền đề cho các quốc gia thực hiện những gì đã được thống nhất.
Theo kế hoạch có 20 nghị quyết và 2 quyết định tại UNEA-6 sẽ được các nước thảo luận bao gồm biến đổi bức xạ Mặt Trời, khai mỏ, sa mạc hóa, nông nghiệp mía, thuốc trừ sâu nguy hiểm cao, vấn đề tăng khả năng phục hồi của các hệ sinh thái và cộng đồng trước tình trạng hạn hán, hợp tác khu vực về chất lượng không khí và một số chủ đề khác.
Đại hội đồng Môi trường Liên Hợp quốc (UNEA) là thiết chế cấp cao ra các quyết định về môi trường do UNEA thành lập. Nhiệm vụ vạch ra một tiến trình mới trên con đường cộng đồng quốc tế chung tay giải quyết các thách thức phát triển bền vững về môi trường. UNEA họp 02 năm một lần.
Cùng ngày tại Geneva, Thụy Sĩ, đã khai mạc Phiên họp cấp cao Khóa 55 Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tái khẳng định các ưu tiên của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Nhân quyền, trong đó có bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chuyển đổi số và quyền con người.
Để tiếp nối những đóng góp tích cực, cam kết mạnh mẽ và sự sẵn sàng đóng góp của Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tuyên bố và kêu gọi các nước ủng hộ Việt Nam tái ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2026-2028.
Phát biểu tại Phiên họp, đại biểu các nước nhấn mạnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp với những thách thức ngày càng gia tăng đối với việc bảo đảm quyền con người như xung đột vũ trang, bất ổn tại nhiều khu vực nhất là ở Gaza, cùng với đó là hàng loạt thách thức toàn cầu ngày càng phức tạp như biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, an ninh lương thực.
Bên cạnh đó là sự phát triển nhanh và mạnh của công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo, đang ngày càng đặt ra những thách thức mới đối với việc đảm bảo đầy đủ và toàn diện các quyền con người.