Ông Wong cũng cho hay từ năm 2024, các doanh nghiệp sẽ được phép mua các tín chỉ carbon quốc tế để bù đắp tối đa 5% lượng phát thải phải chịu thuế của họ. Theo ông, điều này sẽ giúp giảm tác động đối với các công ty, tăng nhu cầu trong nước về tín chỉ carbon chất lượng cao, đồng thời thúc đẩy sự phát triển ổn định của thị trường carbon.
Tín chỉ carbon là công cụ được chứng nhận đại diện cho việc giảm phát thải tại các dự án hành động khí hậu và được kinh doanh bởi các công ty để bù đắp lượng phát thải ở những nơi khác.
Singapore là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á áp dụng cơ chế định giá carbon. Nước này bắt đầu thực thi việc đánh thuế carbon vào năm 2019, áp dụng cho tất cả các cơ sở thải ra 25 nghìn tấn khí nhà kính trở lên hàng năm, bao gồm các nhà máy lọc dầu và nhà máy điện.
Người phát ngôn của ExxonMobil, công ty vận hành nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới tại Singapore, cho biết tín hiệu về giá mạnh hơn từ phía chính phủ sẽ khuyến khích đầu tư vào giảm phát thải khí nhà kính ở nhiều ngành nghề và lĩnh vực hơn.
“Singapore là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, nên điều quan trọng là khung thuế carbon được thiết kế cần khuyến khích giảm phát thải khí nhà kính”.
Theo người phát ngôn của Shell, tập đoàn dầu khí đa quốc gia có trụ sở tại Anh, định giá carbon nên áp dụng cho càng nhiều lĩnh vực của nền kinh tế càng tốt. Hãng này kỳ vọng mức giá carbon sẽ tăng dần theo thời gian khi quá trình chuyển dịch năng lượng diễn ra.
Trước đó để đến gần hơn với mục tiêu khí hậu, Ủy ban Phát triển kinh tế Singapore cũng đặt mục tiêu, đến năm 2030 tăng sản lượng các sản phẩm bền vững lên 1,5 lần so với mức của năm 2019 trong lĩnh vực năng lượng và hóa chất.
Singapore đang đặt mục tiêu đến năm 2050 tăng sản lượng lên gấp 4 lần so với mức của năm 2019.
Chính phủ các nước và các công ty đang tăng tốc tìm kiếm các giải pháp để cắt giảm lượng khí thải và hạn chế sự nóng lên toàn cầu vào giữa thế kỷ này bằng cách chuyển hướng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tăng nhanh đầu tư cho năng lượng tái tạo.