Bích Ngọc ·
29 tuần trước
 10234

Sở hữu mã cổ phiếu nào để được trả cổ tức cao?

Đầu tư vào cổ phiếu trả cổ tức, các nhà đầu tư có thể có được nguồn thu nhập thường xuyên dưới dạng cổ tức. Mùa đại hội cổ đông 2024 củng cố thêm thông tin về những doanh nghiệp có lịch sử chi trả cổ tức cao.

Nhựa Bình Minh trả cổ tức tiền mặt 61%, Vinamilk là 38,5%

Trong nhóm ngành sản xuất, cho đến nay, hai doanh nghiệp Nhựa Bình Minh và Vinamilk tiếp tục duy trì lịch sử trả cổ tức đều đặn ở mức cao qua nhiều năm.

Quý I năm 2024, Nhựa Bình Minh (BMP) công bố lãi thấp nhất trong 6 quý gần nhất. Tuy vậy, Đại hội Cổ đông vừa diễn ra đã thông qua phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ khủng, 61%, tương đương 1 cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng thì người sở hữu nhận cổ tức 6.100 đồng.

Danh sách cổ đông nhận cổ tức lần này sẽ được BMP chốt vào ngày 20/5, và dự kiến chi trả cổ tức vào 10/6. Với hơn 81,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty dự kiến chi hơn 499 tỷ đồng cho lần trả cổ tức này.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Năm 2024, BMP đặt mục tiêu kinh doanh với doanh thu 5.540 tỷ đồng, so với năm 2023 tăng 6,5%. Theo dự kiến, lợi nhuận sau thuế là 1.030 tỷ đồng, gần như đi ngang so với mức của năm ngoái. BMP cũng dự kiến sẽ dành tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế năm 2024 để chia cổ tức.

Còn kết quả kinh doanh 2023 của Công ty CP Sữa Việt Nam (VNM) cũng đã được công bố tại Đại hội Cổ đông cho thấy doanh nghiệp hàng đầu ngành sữa ghi nhận doanh thu tăng nhẹ so với năm trước, lên mức 60.479 tỷ đồng, đã hoàn thành hơn 95% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 9.019 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ và vượt 5% mục tiêu đề ra.

Vinamilk chia cổ tức đợt cuối năm 2023 với tỷ lệ 9,5%. Vinamilk trước đó đã tạm ứng 3 đợt cổ tức năm 2023 cho cổ đông với tổng tỷ lệ 29%. Với quyết định mới nhất, cổ tức cho cho cả năm 2023 sẽ là 38,5%, tương đương số tiền chi hơn 8.000 tỷ đồng, tương đương 91% lợi nhuận sau thuế hợp nhất phân bổ cho cổ đông.

Ban lãnh đạo Vinamilk cho biết, doanh nghiệp sẽ nỗ lực duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức như tổng mức chi trả của 2023.

VPBank, MB và TPBank chia cổ tức 10%, 20%, 25%

Trong nhóm ngành tài chính, nhiều nhà băng cũng duy trì việc trả cổ tức với tỷ lệ tương đối cao cho nhà đầu tư.

Tại Đại hội Cổ đông tổ chức cuối tháng 4, Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng cho biết, năm nay, ban lãnh đạo dự kiến sử dụng 7.934 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt (tương ứng tỷ lệ 10%). Thời gian thực hiện trả cổ tức dự kiến quý 2 và quý 3 năm tới.

Đây là năm thứ hai liên tiếp nhà băng này thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt, sau khi ngân hàng đã hoàn tất các kế hoạch tăng vốn, củng cố nền tảng tài chính bảo đảm cho sự phát triển trong tương lai.

Với Ngân hàng Quân đội, kết quả kinh doanh 2023 sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận sau thuế còn lại là gần 14.774 tỷ đồng. Cộng với lợi nhuận chưa chia các năm trước, các cổ đông đang trông vào món tiền 18.952 tỷ đồng.

Theo ban lãnh đạo MB, dự kiến sẽ sử dụng 10.613 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông, với hai cấu phần, tổng tỷ lệ 20%, gồm 5%, tương ứng là 2.653 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt, và 15% còn lại chia bằng cổ phiếu. Như thế, vốn điều lệ ngân hàng này sẽ tăng thêm 7.959 tỷ đồng.

Đại hội Cổ đông MB đã thông qua phương án này, nhưng trao quyền cho ban lãnh đạo quyết định thời gian cũng như thực hiện thủ tục luật định về chia cổ tức, với yêu cầu hoàn tất trong 2024.

TPBank mạnh tay chi cổ tức hơn cả khi báo cáo với Đại hội Cổ đông, Chủ tịch HĐQT Đỗ Minh Phú cho biết lợi nhuận lũy kế còn lại qua các năm tới nay là khá lớn. Do đó, ban lãnh đạo đề xuất chia cổ tức với tỷ lệ 25%, trong đó 5% là tiền mặt, 20% bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Phần cổ tức trả bằng tiền mặt, ông Phú cho hay, mục tiêu là tri ân các cổ đông  trong thời gian dài vừa qua đã đồng hành cùng ngân hàng và xét trên tình hình kinh doanh ổn định, có bề dày và phát triển an toàn của TPBank.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7742830262443329