Hải Anh ·
2 năm trước
 1932

Sốc: “Mái nhà của thế giới” ngập tràn rác thải do khách du lịch và người lái xe đường dài để lại

Tôi chỉ muốn nói rằng: "Nếu bạn không thể vứt rác đúng nơi đúng chỗ, xin đừng đi du lịch!"

Cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng là cao nguyên rộng nhất và lớn nhất trên thế giới, cao hàng nghìn mét so với mực nước biển, phần lớn thuộc khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc. Vậy nhưng một trong những điểm xa xôi và đẹp đẽ nhất hành tinh cũng là nạn nhân của rác thải. 

Trong khu bảo tồn thiên nhiên Kekexili, thức ăn thừa của con người đang chất thành đống dọc theo đường quốc lộ. Đây là khu vực biệt lập trên Cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng, nơi có lượng rác khổng lồ chất thành đống dọc quốc lộ từ khách du lịch và người lái xe đường dài.

Hàng tấn chai nhựa, quần áo, hộp đựng kim loại và nhựa, thậm chí cả xác cừu và bò Tây Tạng bị vứt dọc theo đường cao tốc trong vài năm trở lại đây. Một trong những “điểm nóng” rác thải tồi tệ nhất chính là khu Wudaoliang ở Thanh Hải.

rác thải

Một phần rác thải tại khu vực Kekexili. (Ảnh: SCMP)

Hàng trăm nông dân địa phương bất đắc dĩ trở thành người dọn dẹp đống rác thải này vào ngày 20/6 vừa qua. 

“Nhưng có quá nhiều rác. Chúng tôi không thể dọn dẹp hết được”, Tsering Kunbu – một người chăn gia súc ở quận Qumarlêb, gần Wudaoliang, một trong số những người có nhiệm vụ dọn dẹp cho biết. 

Ai đã làm nên chuyện tồi tệ này?

Theo các chuyên gia, những người lái xe tải đường dài và một lượng lớn khách du lịch là nguyên nhân gây ra tình trạng này. Điểm đen chính là các bãi đỗ xe gần nhà hàng, trạm xăng và cửa hàng sửa xe gần đó.

“Chỉ có khoảng 200 người sống gần Wudaoliang. Về cơ bản, đó là một vùng đất không người”, Tsering Kunbu chia sẻ.

Hôm 21/6, một quan chức môi trường địa phương cho biết ông đã nhận được báo cáo nhưng không rõ về tình hình trên đường cao tốc. “Tôi chưa bao giờ đến đó, vì vậy tôi không biết. Công việc hàng ngày của tôi chủ yếu ở Yushu”, ông nói khi nhắc đến một thành phố lớn khác ở Thanh Hải, cách đó khoảng 200 km.

Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), điều kiện địa lý và khí hậu đặc biệt của khu vực đã nuôi dưỡng sự đa dạng sinh học độc đáo. Nơi đây là thiên đường cho các loài động vật hoang dã, nơi sinh sống của khoảng 230 loài động vật bao gồm 74 loài có xương sống khác nhau, trong số đó có cả linh dương Tây Tạng.