Mai Phương ·
3 năm trước
 2302

Sống trong giãn cách mới thấy rõ tấm lòng của người Sài Gòn ấm áp đến thế nào

Nay đọc được bài này thấy giữa cái nắng như đổ lửa mà vẫn "ấm lòng", đùa chút cho vui, lượn lờ trên báo, ngoài tin chộp giật, tai nạn, đòi nợ,... thì mình thấy bài này hay lắm nè. Chia sẻ nhau nghe để hiểu rõ giá trị của 2 chữ "đồng bào" trong dịch. Bài này mình copy lại từ Tuổi Trẻ nha mọi người.

Người ta thường nói người thành phố (ý chỉ Sài Gòn) lạnh nhạt với nhau lắm, ai biết nhà nấy, ấm lạnh tự lo, có nhìn thấy nhau trong thang máy cũng chẳng buồn chào hỏi. Nhưng không, lần giãn cách xã hội này cho ta thấy rõ tấm lòng người Sài Gòn. Họ đã cho nhau, vì nhau. 

Giá trị của hai từ "đồng bào" trong dịch

Khi nhà vườn ở Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) không xuất đi được 2 tấn thanh long trồng hữu cơ, một anh chủ vườn tên Phát quyết định tặng trái cây đặc sản nhà trồng cho các khu cách ly, bà con đang thực hiện giãn cách ở TP.HCM.

Một nhóm bạn đã ngỏ ý mua với giá ưu đãi để anh chủ vườn còn thu lại được chút tiền để gửi cho các nông dân. Một bạn làm đại lý ở TP.HCM đóng gói mà không tính công, cũng chỉ mong nông sản sạch không bị bỏ phí trong khi nhiều người đang thiếu ăn. Và thay vì được tặng, có chị ở Hội quán các bà mẹ liên lạc để được mua giá tốt hỗ trợ bà con xóm lao động ở khu phố tại quận Bình Thạnh.

Sài Gòn

Tình nguyện viên câu lạc bộ Điều Ước Ban Mai đến tận nơi, gõ cửa từng nhà trao những phần quà hỗ trợ cho người dân ở Gò Vấp trong mùa dịch - Ảnh: HOÀNG AN

Anh Phạm Gia Hiền ở Hà Nội kêu gọi mọi người chia sẻ 2 tấn mận hậu, do nghệ sĩ dương cầm Phó An My cùng hái với người dân bản ở Mộc Châu. Nông sản về cơ bản không thể trông vào giải cứu hết mùa này sang vụ khác. 

Nông sản phải được nâng giá trị lên nhờ nâng cao chất lượng, sơ chế, đóng hộp, tạo thương hiệu, bán ở nhiều mức giá cho nhiều phân khúc khách hàng lựa chọn. Nhưng trong lúc dầu sôi lửa bỏng đúng là chúng ta phải dựa vào nhau mà sống trước đã. Đôi khi còn có thể giúp người nông dân bán được nông sản, không phải chịu lỗ, không phải đổ đi.

Không một ai bị bỏ lại phía sau

Một khu căn hộ nào đó bị phong tỏa (thường là lệnh đột ngột), người dân chẳng ngờ để chuẩn bị lương thực đủ cho mấy tuần. Lập tức những người trong các căn hộ ngày thường đóng cửa im ỉm đã chung tay hỗ trợ nhau.

Những gian hàng 0 đồng đặt ở dưới sảnh, những gói nhu yếu phẩm, cả các phần cơm đủ ba bữa một ngày cũng được sắm sửa tươm tất và thông báo cho tất cả để ai nấy được yên tâm ở nhà. 

Không một ai bị bỏ lại phía sau, từ trẻ nhỏ đến người già, từ nhu cầu thiết yếu nhất đến yêu cầu đặc biệt về chăm sóc sức khỏe. Các cư dân sẵn lòng giúp nhau một tay đóng góp tiền cho đến thực phẩm, nhu yếu phẩm.

Ở các khu phố lao động, người bên ngoài, ở khu lân cận, quận khác góp một chút lòng để không ai thiếu thốn dù không thể đi làm. "Cây ATM gạo" không còn nhiều như năm ngoái nay thay bằng những phần cơm được chuẩn bị chỉn chu gói ghém vào đó bao tình thương, động viên và chia sẻ của nghĩa đồng bào. 

Rồi hình ảnh những người mẹ Hà Tĩnh đội nắng chang chang ngồi làm ruốc gửi đi Bắc Giang, hay câu chuyện về các y bác sĩ nghỉ hưu cùng với sinh viên trường y xung phong tình nguyện tham gia vào lực lượng chống dịch, những tin nhắn đóng góp cho quỹ vắc xin... 

Như tinh thần lá lành đùm lá rách mỗi mùa mưa bão, giữa những ngày giãn cách này nghĩa đồng bào như "liều vắc xin" quý giá vượt qua khó khăn.

Các bạn thấy đó, nếu cuộc sống không có những khó khăn, làm sao thấu hết người dân mình yêu thương nhau đến thế nào? Giàu mà cho là chuyện thường, khó vẫn cho mới thấy giá trị. Sài Gòn ơi, cố gắng lên, cùng chung tay vượt qua dịch nhé!