Nguyễn Quỳnh ·
2 năm trước
 5108

T.Ư Đoàn tặng bằng khen tập thể, cá nhân có thành tích trong bảo vệ môi trường

Ban Chấp hành T.Ư Đoàn tặng Bằng khen đối với 12 tập thể và 6 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong triển khai, thực hiện Đề án "Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2019 - 2022" .

T.Ư Đoàn vừa có Quyết định khen thưởng tặng Bằng khen đối với 12 tập thể và 6 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong triển khai, thực hiện Đề án "Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2019 - 2022".

Theo đó, 12 tập thể được nhận Bằng khen gồm: Thành Đoàn Hà Nội; Tỉnh Đoàn Bình Dương; Tỉnh Đoàn Gia Lai; Tỉnh Đoàn Bình Định; Tỉnh Đoàn Bắc Ninh; Tỉnh Đoàn Sơn La; Hội LHTN Việt Nam tỉnh Bến Tre; Đoàn Thanh niên Tổng Cục Chính trị, Ban Thanh niên Quân đội; Đoàn Thanh niên Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh; Thành Đoàn Đà Lạt (Lâm Đồng); Ban Phong trào Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi.

Đoàn viên, thanh niên là lực lượng xung kích trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. (Ảnh minh họa)

Có 5 cá nhân được nhận Bằng khen của Ban Chấp hành T.Ư Đoàn gồm: Anh Nguyễn Đức Tiến, Phó Bí thư thường trực Thành Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam TP Hà Nội; anh Lê Minh Dương, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Sóc Trăng; anh Nguyễn Hoài Phương, Trưởng Ban Công tác thanh niên Tỉnh Đoàn Tiền Giang, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Tiền Giang;

Anh Đoàn Thế An, Bí thư Huyện Đoàn Sa Thầy, tỉnh Kon Tum; chị Đinh Hương Dịu, Bí thư Đoàn xã, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang; anh Nguyễn Văn Hùng, Thượng úy QNCN, Bí thư Chi Đoàn Đại đội Thiết giáp, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang, Quân khu 1.

Đề án "Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2019 – 2022" được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 894/QĐ-TTg phê duyệt ngày 17/7/2019.

Một trong các giải pháp thực hiện Đề án là tổ chức các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó, tuyên truyền trực quan như sử dụng hệ thống băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi; biên tập và phát hành các tài liệu sinh hoạt chi đoàn - chi hội - chi đội…

Bên cạnh đó, tuyên truyền trên báo chí, phát thanh, truyền hình, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông hiện đại; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và triển khai phần mềm tra cứu thông tin về môi trường, thông tin cảnh báo thiên tai, thông tin về giải pháp, công nghệ bảo vệ môi trường.

Đồng thời, xây dựng và nhân rộng các mô hình về ứng phó với biến đổi khí hậu như triển khai chương trình “Vì một Việt Nam xanh”; xây dựng nhà tránh lũ và các công trình bể chứa nước, bể lọc nước… cho đoàn viên, thanh niên và người dân tại các khu vực miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long; triển khai các hoạt động hỗ trợ nhân dân thích ứng với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Phấn đấu trong giai đoạn 2019 - 2022, Đề án thực hiện tổ chức 8.000 lớp tập huấn, nâng cao năng lực về các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho đoàn viên, thanh niên. Qua đó, hỗ trợ 1.000 ý tưởng khởi nghiệp, các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Với khu vực miền Trung, Đề án đưa mục tiêu hỗ trợ xây dựng 250 nhà tránh lũ cho các hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn...

Nguyễn Quỳnh (t/h)