Ô nhiễm vi nhựa - Nỗi ám ảnh của đại dương và sinh vật biển
Theo một báo cáo của Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace), ngư cụ bị mất và bị bỏ lại đang là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm mảnh nhựa lớn ở đại dương và khiến sinh vật biển bị tổn hại. Hàng năm, hơn 640.000 tấn lưới, dây thừng, chậu và bẫy được sử dụng trong đánh bắt cá thương mại bị đổ và vứt bỏ trên biển, tương đương với trọng lượng với 55.000 xe buýt hai tầng. Ước tính rác đến từ dụng cụ đánh bắt cá chỉ góp khoảng 10% số rác nhựa trên các đại dương, nhưng chiếm đa số rác nhựa cỡ lớn, đến 70% trong số này.
Theo tính toán, rác nhựa có thể tồn tại đến 600 năm trong môi trường biển cả, có nghĩa là khi những lưới đánh cá bị biến dạng, chúng sẽ hóa thành các loại hạt nhựa nhỏ khó thấy bằng mắt thường và tiếp tục đầu độc các đại dương của thế giới, theo Greenpeace.
Ngư cụ bị bỏ rơi đặc biệt nguy hiểm. Lưới và dây thừng có thể là mối đe dọa đối với động vật hoang dã trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ, bao gồm mọi loài sinh vật biển, từ cá nhỏ và động vật giáp xác, đến rùa, chim biển và cả cá voi.
Kính râm được làm từ...lưới đánh cá bỏ đi
Nhận thấy thực trạng trên, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Cornwall, Anh có tên là Waterhaul đã tung ra một loạt các loại kính râm được sản xuất từ lưới đánh cá tái chế 100%. Theo như lời giới thiệu của hãng, đây là sản phẩm mang tính bền vững và là “biểu tượng của sự thay đổi” .
Việc tái chế lưới đánh cá bỏ đi thành kính râm hoàn toàn dựa trên cơ chế cơ học. Những tấm lưới đan xen (thường có chiều dài hơn 100m) được rửa sạch, cắt nhỏ và đóng thành từng viên, sau đó được đúc thành gọng kính mát sáng tạo. Khung kính được sản xuất hoàn toàn từ lưới đánh cá tái chế 100%, không pha thêm nhựa nguyên sinh hoặc hóa chất.
Quá trình cắt, lắp ống kính plano và hoàn thiện khung được thực hiện bằng tay và được kết hợp với ống kính thủy tinh khoáng phân cực chất lượng cao và có thể tái chế. Hộp đựng kính cũng làm hoàn toàn từ nút chai rượu vang bỏ đi. Để ngăn chặn bất kỳ chiếc kính râm nào của hãng bị chôn vùi trong bãi rác, Waterhaul đề nghị mua lại những chiếc gọng kính cũ hoặc bị hỏng và tái chế chúng thành những chiếc kính râm mới.
“Rác thải đơn thuần là một nguồn tài nguyên chưa được phân bổ và tái chế đúng cách, với sứ mệnh của mình, chúng tôi luôn cố gắng giảm lượng rác thải ra đại dương nhiều nhất có thể.” - Harry Dennis, người sáng lập Waterhaul cho hay.