Nguồn nước ngầm đang ngày càng suy giảm
Năm 2019, trong Báo cáo “Việt Nam: Hướng tới một hệ thống nước an toàn, sạch và bền vững” gửi Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra một vấn đề đáng quan tâm về tình hình an ninh nguồn nước ở nước ta. Mặc dù thiếu nước nhưng hiệu quả sử dụng nước của chúng ta đem lại cho tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) còn rất thấp. Mỗi mét khối nước mới chỉ tạo ra 2,37 USD GDP, chỉ bằng 1/8 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD GDP. Đến nay con số này vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể.
Nhiều năm nay, không chỉ thấy tình trạng nước trên mặt bị ô nhiễm trầm trọng, tình hình các nguồn nước dưới đất cũng có những biến đổi theo hướng tiêu cực. Cụ thể, “Kịch bản BĐKH và mực nước biển dâng cho Việt Nam vào năm 2016” của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã về một kịch bản xấu có thể xảy ra là đến năm 2050 nước biển dâng cho toàn dải ven biển Việt Nam từ 21-25 cm và đến năm 2100 từ 44-73 cm.
Ảnh minh họa.
Nói cách khác, khoảng 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng, 15% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 14% diện tích TP.HCM, 20-30% diện tích các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hậu Giang, Cà Mau cuối thế kỷ này sẽ chìm trong nước biển. Như vậy, sẽ có khoảng 20 triệu người dân và hàng trăm nghìn doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Nguyên nhân được đưa ra bên cạnh hiện tượng nước dâng do bão, thuỷ triều ven bờ, chính là sự sụt lún đất do khai thác nước ngầm quá mức.
Chỉ nói riêng vùng lưu vực sông Cửu Long, kết quả quan trắc tài nguyên nước dưới đất vào tháng 3/2021 của Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ TN&MT cho thấy diễn biến mực nước dưới đất trung bình tháng 2 so với cùng thời điểm 1 năm trước, 5 năm trước, 10 năm trước và 20 năm trước có xu thế hạ. Mực nước suy giảm được đánh giá là lớn nhất trong hai thập kỷ qua. Thêm thông tin ĐBSCL đang chìm dần khi mỗi năm sụt lún 1 cm, với tốc độ trung bình lên tới 5,7 cm/năm tại một số điểm với nguyên nhân chính là do khai thác nước ngầm quá mức.
Chưa kể, hệ thống nước ngầm ở những vùng ven biển còn có thể gặp phải hiện tượng xâm nhập mặn, thường xuất hiện chủ yếu vào tháng 4 hoặc tháng 5 do ảnh hưởng của triều cường, nước biển dâng hoặc bởi các tác động khác của con người. Hiện tượng này là nguyên nhân chính khiến nguồn nước ngọt dưới đất ở vùng ĐBSCL sụt giảm mạnh trong nhiều năm nay.
Thể chế hóa quản lý nguồn nước
Trước thực trạng nguồn nước ngầm bị sụt giảm nghiêm trọng, mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2021/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2017/NÐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/5 tới, quy định cụ thể các căn cứ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo mục đích sử dụng nước nhằm góp phần điều tiết, bảo đảm chất lượng, an ninh nguồn nước.
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Hội Quy hoạch phát triển Ðô thị Việt Nam cho rằng, muốn quản lý tốt nguồn nước, cần đồng thời tập trung giám sát và bảo vệ nguồn nước, kiểm soát chặt chẽ việc xả thải vào nguồn nước cũng như khai thác sử dụng nguồn nước ngầm hợp lý và từng bước giảm lưu lượng khai thác nước ngầm tại các đô thị lớn như: Hà Nội, TP.HCM và ở các đô thị vùng ÐBSCL… Cụ thể hóa các giải pháp này, theo Ðiều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2030 dự kiến tổng lượng nhu cầu dùng nước của toàn thành phố đạt 2,882 triệu m3/ngày đêm và khoảng 3,633 triệu m3/ngày đêm vào năm 2050.
Trong đó tổng trữ lượng khai thác nước ngầm trên địa bàn Hà Nội để cấp cho khu vực đô thị và nông thôn giai đoạn 2030 và 2050 chỉ nên giới hạn khoảng 600.000 m3/ngày đêm, hạn chế tối đa việc khai thác nước ngầm tại các bãi giếng có hàm lượng amini và độ nhiễm bẩn hữu cơ cao. Thêm nữa, tăng cường sử dụng nguồn nước mặt từ sông Hồng, sông Ðà, sông Ðuống, sông Lô vì có trữ lượng lớn và chất lượng bảo đảm về nguồn cấp nước thô dài hạn…
Tương tự, Quy hoạch cấp nước vùng ÐBSCL đã xác định cần phải rà soát đánh giá trữ lượng nguồn nước ngầm cũng như khả năng khai thác theo từng tỉnh, từng bước giảm khai thác với quy mô vừa và lớn đối với một số khu vực có nguồn nước mặt thuận lợi…, xây dựng hệ thống cấp nước mang tính liên vùng, liên tỉnh…
Nhằm kéo giảm tác động của BÐKH, việc xây dựng và sử dụng hồ trữ nước mặt đa mục tiêu và các công trình ngăn mặn, xả lũ thông qua các công trình thủy lợi tại nhiều địa phương là rất cần thiết. Ði cùng đó là nghiên cứu sớm xây dựng các tuyến truyền dẫn từ sông Tiền, sông Hậu cung cấp nước thô cho các đô thị, khu dân cư tại các vùng bắc sông Tiền và Tây Nam sông Hậu…
Thiết nghĩ, Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để hoàn thành các công trình thủy lợi trọng điểm, đầu tư phát triển hệ thống nước sạch nông thôn, công trình chuyển nước, kết nối nguồn nước liên tỉnh, liên vùng, liên lưu vực, xử lý các đập, hồ chứa thủy lợi hư hỏng, bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình và vùng hạ du đập. Phía các địa phương cần rà soát, xây dựng phương án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước vào quy hoạch tổng thể của địa phương.
Các giải pháp hiệu quả sẽ làm giảm tác động của BÐKH, bảo đảm an ninh nguồn nước, giải quyết các vấn đề có liên quan đến cấp nước sinh hoạt và sản xuất, cũng là góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững.