TM ·
2 năm trước
 4607

Tầm quan trọng của Rừng Di sản Thế giới trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu

Đánh giá khoa học đầu tiên từ trước đến nay về lượng khí thải nhà kính được hấp thụ và thải ra bởi các khu rừng được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO cho kết quả rằng chúng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu khi chúng hấp thụ đến 190 triệu tấn CO2 từ bầu khí quyển mỗi năm.

Bằng cách kết hợp dữ liệu thu được từ vệ tinh với thông tin giám sát trực tiếp ở từng địa điểm, các nhà nghiên cứu thuộc UNESCO, Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) và Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã ước tính được tổng lượng khí thải carbon mà các khu rừng thuộc danh sách Di sản Thiên nhiên Thế giới hấp thụ và thải ra từ năm 2001 đến năm 2020.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhìn chung, Rừng Di sản Thế Giới ở 257 khu vực riêng biệt hấp thụ xấp xỉ 190 triệu tấn CO2 từ bầu khí quyển mỗi năm, tương đương với một nửa lượng CO2 từ nhiên liệu hóa thạch thải ra hàng năm tại Vương Quốc Anh.

Ngoài việc hấp thụ CO2 từ bầu khí quyển, các khu rừng trên còn tích trữ một lượng CO2 đáng kể. Theo báo cáo, sự hấp thụ CO2 của những khu rừng này trong thời gian dài đã dẫn đến tổng lượng CO2 dự trữ khoảng 13 tỷ tấn, nhiều hơn lượng CO2 trong trữ lượng dầu của Kuwait.

10 khu rừng Di sản Thế giới đang có dấu hiệu đáng lo ngại khi lượng khí CO2 thải ra nhiều hơn lượng hấp thụ.

Tuy nhiên, khảo sát cũng phát hiện ra rằng, 10/257 khu rừng đang thải ra nhiều khí thải carbon hơn là hấp thụ do những tác động khác nhau của con người và khí hậu tại mỗi khu vực. Đáng báo động hơn nữa khi đây lại là 10 khu rừng có giá trị rất lớn và được bảo vệ.

Tại một số địa điểm, rừng bị tàn phá để lấy đất canh tác nông nghiệp. Tại một vài nơi khác, thời kì hạn hán đỉnh điểm gây ra những vụ cháy rừng nghiêm trọng cũng là một nguyên nhân. Bên cạnh đó, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác cũng đóng góp một phần gây ra tình trạng này.

Dự đoán, trong những năm tới đây, nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, quá trình hấp thụ và thải CO2 ở các khu rừng di sản này sẽ càng bị xáo trộn nghiêm trọng hơn do cảnh quan ngày càng bị chia cắt, suy thoái và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ngày càng gia tăng.