Kim Chi ·
1 năm trước
 6708

Tăng cường tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Nhiều ý kiến đề xuất cần đơn giản thủ tục, linh hoạt hơn để tháo gỡ vướng mắc trong vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng. Trong khi đây là nhóm doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. Làm thế nào để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh là nội dung chính được thảo luận tại hội nghị mới đây của Ngân hàng Nhà nước.

Thiếu về tài sản đảm bảo, yếu về năng lực tài chính là những hạn chế của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để tháo gỡ vướng mắc trong vay vốn, nhiều ý kiến đề xuất cần đơn giản thủ tục, linh hoạt hơn, chẳng hạn với quy định về vốn đối ứng cho doanh nghiệp.

"Có những dự án vốn đối ứng đòi hỏi đến 50%, nghĩa là vốn của doanh nghiệp cần 50%, phần còn lại tiếp cận vốn của tổ chức tín dụng. Đây là vấn đề chúng tôi nghĩ rằng phải cải thiện được", ông Nguyễn Kim Hùng, Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam, cho biết.

Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

Từ phía các ngân hàng, họ cho biết việc cho vay luôn cần đảm bảo chất lượng tín dụng. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần nâng cao năng lực quản trị tài chính và lên phương án kinh doanh hiệu quả.

"Họ phải có khả năng quản trị kinh doanh tốt, chứng minh tính khả thi của các phương án vay vốn. Ngoài ra họ cần chuẩn bị sẵn những nguồn lực, vốn tự có để tham gia phương án kinh doanh chứ không thể dùng hết vốn vay ngân hàng", ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, cho hay.

"Cải tiến quy trình, thủ tục hồ sơ, giấy tờ để giảm bớt thời gian doanh nghiệp chờ đợi tiếp cận vốn. Đặc biệt, chuyển hướng về quản lý dòng tiền để đảm bảo quản lý dòng tiền của khách hàng, bảo toàn vốn", ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng Giám đốc Agribank, thông tin.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo để đưa ra các chính sách tiền tệ linh hoạt, hướng tới giảm mặt bằng lãi suất, đồng thời đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ, tiếp cận vốn thông qua Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.