Thùy Dương ·
3 năm trước
 2590

Tập đoàn Trung Nam lại vay vốn nghìn tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu trong khi sinh lời nhỏ giọt

Đây không phải lần đầu tiên Tập đoàn Trung Nam vay vốn nghìn tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu. Tuy nhiên, tôi thấy khá bất ngờ khi khả năng sinh lời của các công ty thành viên thuộc Tập đoàn Trung Nam lại ảm đạm.

Vay nợ hàng chục nghìn tỷ trái phiếu, Tập đoàn Trung Nam sinh lời nhỏ giọt

Vay nợ hàng chục nghìn tỷ trái phiếu

Mới đây, Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (thuộc Tập đoàn Trung Nam) đã công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu riêng lẻ đối với lô trái phiếu có mã TNSCB2124001. Tổ chức tham gia thu xếp phát hành là Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect.

Theo đó, doanh nghiệp đã phát hành thành công 20 triệu trái phiếu với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, tương đương tổng giá trị 2.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có đảm bảo bằng tài sản và không phải khoản nợ thứ cấp của doanh nghiệp. Lãi suất năm đầu cố định 9,5%/năm và các năm sau lãi suất thả nổi với kỳ hạn là 3 năm. Thời điểm phát hành là ngày 27/4/2021.

Tài sản bảo đảm của lô trái phiếu này là 100 triệu cổ phần tại Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam cùng với các quyền, lợi ích phát sinh từ các cổ phần. Cùng với đó là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền hình thành trong tương lai của khu đất có diện tích 848.605 m2 tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng; quyền tài sản gắn liền với dự án khu công nghệ thông tin Đà Nẵng.

Trái chủ của lô trái phiếu nêu trên là 3 nhà đầu tư tổ chức trong nước (Tuy nhiên thông tin cụ thể không được phía doanh nghiệp công bố). Doanh nghiệp cũng không cho biết mục đích của đợt huy động vốn này. 

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam vay vốn nghìn tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu. Trước đó, vào 8/10/2020 vừa qua, Công ty TNHH Điện Mặt Trời Trung Nam Thuận Nam đã hoàn tất phát hành 500 tỉ đồng trái phiếu (Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Các trái phiếu này sẽ đáo hạn vào ngày 29/5/2029.

Thống kê cho thấy, nhóm Trung Nam Group đã huy động gần 15.000 tỷ đồng trong vòng hơn 1 năm qua cho các dự án bất động sản và nhà máy điện mặt trời.

Trái phiếu được đảm bảo và dòng tiền thanh toán bằng chính dự án nhà máy điện mặt trời 450 MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận; nguồn thu từ kinh doanh lô đất dự án Golden Hills City và Vệt 50 m tại Đà Nẵng của Công ty Trung Nam.

Về Trung Nam Group, thì Trung Nam Group là tập đoàn đa ngành thành lập vào năm 2004, hoạt động chính trong lĩnh vực năng lượng, xây dựng, hạ tầng và bất động sản. Thời gian trước, tập đoàn tập trung phát triển các dự án thủy điện, từ năm 2018 đến nay chuyển sang đầu tư các dự án điện mặt trời. 

Trụ sở chính hiện đặt tại số 7A/68 Thành Thái, quận 10, TP. HCM (Toà nhà Trung Nam). Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Tâm Thịnh. Kể từ năm 2018 đến nay, Tập đoàn Trung Nam dần thay đổi từ tập trung phát triển các dự án thủy điện chuyển sang đầu tư các dự án điện mặt trời. 

Ông Nguyễn Tâm Thịnh - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Nam

ự án đầu tiên của Tập đoàn Trung Nam trong lĩnh vực này là dự án nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc, được khởi công vào tháng 7/2018, với vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Nhà máy nằm trên địa bàn xã Lợi Hải và xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Dự án này có công suất thiết kế 204 MW, sản lượng điện tối đa khoảng 450 triệu kWh/năm, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Điện mặt trời Trung Nam.

Cuối tháng 1/2019, Tập đoàn Trung Nam tiếp tục khởi công dự án nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Trà Vinh tại xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh với quy mô 171,17 ha. Dự án này có công suất thiết kế 140 MW, sản lượng điện trung bình dự kiến đạt 250 triệu kWh/năm.

Đến trung tuần tháng 5/2020, tập đoàn của ông Nguyễn Tâm Thịnh tiếp tục khởi công dự án trạm biến áp và đường dây 220/500 kV kết hợp nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, đã được đề cập ở phía trên.

Các công ty thành viên có hệ số sinh lời thấp

Về tình hình kinh doanh, nhìn trên bình diện chung, do mới tham gia vào lĩnh vực điện mặt trời nên khó có thể đánh giá hiệu quả của những dự án nhà máy điện dưới sự điều hành của Tập đoàn Trung Nam.

Về Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Xây dựng Trung Nam), một trong những "sếu đầu đàn" của tập đoàn. Được thành lập từ tháng 11/2004, đến tháng 4/2021, doanh nghiệp có vốn điều lệ 14.825 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2016-2019, doanh thu của Xây dựng Trung Nam biến động theo đồ thị hình sin với sự thăng giáng khá mạnh. Cụ thể, doanh thu lúc này được ghi nhận lần lượt là 1.056 tỷ đồng; 4.230 tỷ đồng; 897,5 tỷ đồng và 6.480 tỷ đồng.

Do biên lợi nhuận gộp khá thấp, có năm chỉ đạt 4,75% (năm 2016), sau khi khấu trừ các chi phí vận hành, lãi vay thì Xây dựng Trung Nam có lãi tương đối nhỏ giọt so với doanh thu mang về. Năm 2016, lợi nhuận từng rơi xuống vùng đáy với chỉ 2,1 tỷ đồng. So với doanh thu đạt hơn 1.000 tỷ đồng, biên lợi nhuận thuần lúc này vẻn vẹn hơn 0,2%.

Điểm sáng hiếm hoi trong khoảng thời gian này của Xây dựng Trung Nam là năm 2017, với lợi nhuận lên mức 390 tỷ đồng. Dẫu vậy, ở hai năm kế tiếp, doanh nghiệp nhanh chóng quay trở lại quỹ đạo ảm đạm với khoản lãi lần lượt là 21,3 tỷ đồng và 123,8 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn (tài sản), nợ phải trả của Xây dựng Trung Nam cũng biến động khá thất thường. Bình quân, doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn chiếm dụng ngoài với tỷ lệ xấp xỉ vốn chủ sở hữu, duy chỉ có năm 2017, con số nợ nhảy vọt lên mức 14.049 tỷ đồng, cao gấp 3,2 lần. Tính đến cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu đạt 4.406 tỷ đồng, trong khi đó nợ phải trả giảm còn 4.424 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Trung Nam, thành viên chủ chốt trong lĩnh vực bất động sản của tập đoàn, cũng có nhiều nét tương đồng. Trong giai đoạn 2016-2019, doanh thu của Trung Nam cũng liên tục trồi sụt, từ mức 158,2 tỷ đồng, đã tăng lên 455,5 tỷ đồng sau chỉ một năm. Tuy nhiên, ở năm kế tiếp con số này giảm nhanh còn 203,3 tỷ đồng và hồi phục về 280,9 tỷ đồng, vào cuối năm 2019.

Đáng chú ý, không chỉ có hệ số sinh lời thấp, năm 2016, doanh nghiệp còn gánh lỗ hơn 12 tỷ đồng. Ở các năm kế tiếp, lợi nhuận ghi nhận lần lượt là 41 tỷ đồng, 2,8 tỷ đồng và 24 tỷ đồng.

Sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao, tập đoàn Trung Nam cũng sẽ phải đối diện với thách thức lớn

Thêm một điểm đáng lưu tâm, đó là Trung Nam sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao. Nếu như năm 2016, nợ phải trả của doanh nghiệp chỉ là 1.768 tỷ đồng thì đến năm 2019, con số này đã vượt ngưỡng 4.088 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp vẫn "dậm chân tại chỗ" với 678,7 tỷ đồng và 725,8 tỷ đồng (đầu và cuối chu kỳ).

Sử dụng đòn bẩy cao, khối nợ tăng lên nhanh chóng nhưng việc triển khai ở nhiều dự án gặp khó khăn đã đặt ra không ít nan đề cho giới chủ của tập đoàn này.

“Siêu dự án” chống ngập 10.000 tỉ đồng tại Tp. HCM mà tập đoàn của ông Nguyễn Tâm Thịnh đã được chỉ định làm nhà đầu tư theo hình thức BT cũng là một dự án nhận được nhiều quan tâm của công chúng. Dù nhận được kỳ vọng lớn xong siêu dự án này đã triển khai hơn 4 năm, nhiều lần phải tạm ngưng và vẫn chưa hẹn ngày về đích. Nguồn vốn nợ phải trả của doanh nghiệp dự án - Công ty TNHH Trung Nam BT 1547, liên tục gia tăng trong giai đoạn 2017 – 2019, cao gấp nhiều lần quy mô vốn chủ sở hữu. Tính đến cuối năm 2019, nguồn vốn nợ phải trả của Trung Nam BT 1547 đạt mức 4.951,8 tỉ đồng, cao gấp 4,5 lần so với quy mô vốn chủ sở hữu.

Cuối tháng 11/2020, CEO Tập đoàn Trung Nam Nguyễn Tâm Tiến công bố thông tin cho biết dự án đã hoàn thành 93% khối lượng công trình nhưng đang phải tạm ngưng do gặp nhiều vướng mắc. Vị này cho hay chủ đầu tư đã phải gồng mình để dự án có thể tiếp tục triển khai, thiệt hại mỗi ngày ước tính khoảng 200 triệu đồng. Ông Tiến cảnh báo nếu không tìm ra giải pháp tháo gỡ, nhà đầu tư chỉ có thể cầm cự tối đa 2 tháng, buộc phải dừng thi công.

Nuôi tham vọng lớn và liên tục mở rộng đầu tư, tận dụng các đòn bẩy tài chính để lớn thật nhanh nhưng khi những dự án trọng điểm phát sinh vấn đề, Tập đoàn Trung Nam cũng sẽ phải đối diện với thách thức lớn, mà một trong những thách thức lớn nhất là dòng tiền.