Minh Anh ·
1 năm trước
 6965

Thái Bình: Vì sao dự án nhà máy xử lý rác bị người dân phản đối kịch liệt?

Dự án nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao tại xã Đông Á (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) dù chưa được triển khai xây dựng nhưng lại vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía người dân đang sinh sống tại nơi đây.

Nhiều kiến nghị từ người dân

Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm do chất thải nhựa ngày một trở nên nghiêm trọng, gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái tự nhiên, sức khỏe con người và cảnh quan.

Rác thải sinh hoạt không được xử lý một cách triệt để và gây ô nhiễm môi trường là thực trạng không chỉ xảy ra ở thành thị mà ở cả các vùng nông thôn.

Tuy nhiên, tại một số địa phương đang xuất hiện một nghịch lý, đó là dù người dân mong muốn có nhà máy xử lý rác hợp vệ sinh, nhưng họ lại từ chối việc xây dựng nó ở địa phương mình. 

Tại xã Đông Á, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, tình trạng các bãi rác đều dùng biện pháp chôn lấp, một số ít đốt rác thủ công với công suất nhỏ và công nghệ lạc hậu. Nước rác rò rỉ chưa được xử lý lại tiếp tục gây ô nhiễm nguồn nước. Hiện tượng đốt rác thường xuyên thì gây ô nhiễm không khí. Những hệ lụy từ cách xử lý rác kiểu cũ dĩ nhiên đã trực tiếp làm khổ cuộc sống người dân ở đây.

Rác thải phát sinh ngày càng nhiều, nhưng khi Dự án nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao tại xã Đông Á lại vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía người dân trên địa bàn.

Được biết, ngày 29/3, Văn phòng UBND tỉnh Thái Bình thông báo Kết luận của ông Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về việc xác định Dự án nhà máy xử lý rác thải tại xã Đông Á là dự án trọng điểm của tỉnh; giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, UBND huyện Đông Hưng thực hiện các bước giải phóng mặt bằng, làm đường dự án; xây dựng chủ trương đầu tư dự án; hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư…

Theo quy hoạch, vị trí dự án được đặt gần khu vực đê sông Trà Lý có chiều dài hơn 1km. Gần với vị trí đang quy hoạch Dự án nhà máy xử lý rác, hai khu tập trung rác sinh hoạt của hai xã Đông Quan, Đông Á nhiều năm qua cũng là vấn nạn khiến người dân bức xúc. 

Dự án nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao tại xã Đông Á dù chưa được triển khai xây dựng nhưng lại vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía người dân đang sinh sống tại nơi đây.

Trước đó, ngày 19/1/2021, UBND xã Đông Á ban hành hai bản báo cáo (cùng số hiệu 02/BC-UBND) về việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới của xã. Một bản báo cáo có nội dung điều chỉnh quy hoạch khu xử lý rác thải tập trung tại thôn Đông Hoà và thôn Trưng Trắc B, giáp đê sông Trà Lý với diện tích trên 10 ha. Một bản báo cáo có cùng số hiệu không đề nội dung này. 

Theo đó, cả hai bản đều do chủ tịch UBND xã Đông Á Phí Đức Vui ký. Do vậy, người dân cho rằng, việc ban hành hai bản báo cáo nhưng nội dung khác nhau như nói ở trên thể hiện việc không trung thực đối với người dân, không cho người dân biết về dự án nhà máy xử lý rác sẽ được triển khai liền kề với khu dân cư.

Mới đây, chiều ngày 19/4, tại trụ sở Nhà văn hóa xã Đông Á đã diễn ra buổi đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng với người dân xã Đông Á, xung quanh chủ trương đầu tư nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt rắn công nghệ cao của tỉnh Thái Bình đặt tại xã này.

Đáng chú ý, đa số các ý kiến đều bày tỏ không đồng tình, phản đối xây dựng nhà máy xử lý rác công nghệ cao đặt tại hai thôn Đông Hòa và Trưng Trắc B, xã Đông Á giống như quan điểm trước đó của gần như 100% người dân xã này gửi đến chính quyền các cấp.

Trong đó, người dân xã Đông Á cho rằng, huyện và xã chưa lấy ý kiến rộng rãi của người dân đã dự định triển khai xây dựng dự án nhà máy xử lý rác thải là chưa đúng và nếu làm nhà máy xử lý rác thải tại xã sẽ gây ô nhiễm về lâu dài…

"Chúng tôi xin đề nghị vĩnh viễn không làm nhà máy xử lý rác thải tại xã Đông Á", ông Tô Biên Cương - đại diện nhân dân thôn Đại Đồng nêu ý kiến.

Dự án phải lập đánh giá tác động môi trường

Trước đó, ngày 13/10/2020, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Thái Bình đã có văn bản về việc Liên danh Công ty TNHH công nghệ môi trường EU WELLLE - Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và du lịch CIT lập hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng theo hình thức xã hội hoá nhà máy xử lý rác thải phát điện tại xã Đông Á.

Tại bản thuyết trình, Nhà máy này có công suất xử lý 495 tấn rác thải/ngày và phát 12MW điện giai đoạn 1; tổng mức đầu tư thực hiện dự án là 1.359 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cũng trong thời điểm tháng 10/2020, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Du lịch CIT bị Công an tỉnh Quảng Nam bắt tạm giam do liên quan đến sai phạm về xây dựng tại một dự án đường giao thông.

“Thái Bình mới chấp thuận chủ trương cho nhà đầu tư (Công ty CIT) về khảo sát, nghiên cứu… chứ chưa phải là chấp thuận dự án. Từ đó đến nay, nhà đầu tư này cũng không liên hệ với địa phương để triển khai các bước tiếp theo, do đó chủ trương chấp thuận nghiên cứu, khảo sát đối với liên danh nói trên đã chấm dứt.

Trên thực tế, dự án nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao tại xã Đông Á chưa được triển khai xây dựng.

UBND huyện Đông Hưng mới triển khai thực hiện đường vào dự án và giải phóng mặt bằng khu đất để thu hút đầu tư thực hiện dự án nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao này.

Báo Nông nghiệp Việt Nam thông tin, theo Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng Tô Xuân Thức, quy hoạch xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao tại xã Đông Á đang thực hiện các bước theo quy định, chưa có nhà đầu tư, chưa triển khai xây dựng dự án.

“Địa phương đang tiến hành các bước theo luật đầu tư, chưa có nhà đầu tư xây dựng nhà máy. Hiện UBND huyện đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, làm đường vào của dự án. Người dân nghĩ rằng đã triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác thải nên mới có phản ứng, do đó chưa chính xác”, ông Thức chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Văn Ngoạn, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thái Bình cho biết, khi dự án triển khai phải lập dự án đánh giá tác động môi trường. Trước khi đi vào hoạt động phải được Bộ TN&MT cấp giấy phép. Và đặc biệt là trong quá trình hoạt động thì hệ thống quan trắc online sẽ được công khai trên mạng thông tin điện tử.

“Để nhân dân không những ở xã mà ở mọi nơi có thể thường xuyên giám sát chất lượng môi trường ở khu vực. Nhà máy xử lý rác thải theo quy mô và mô hình dự kiến đầu tư triển khai ở Đông Á đấy thì ở Thái Bình và 1 số địa phương lân cận chưa có cho nên chưa thể so sánh, đánh giá được các tồn tại bây giờ với nhà máy hình thành ở trong tương lai", Phó giám đốc Sở TN&MT cho hay.

Cũng theo UBND tỉnh Thái Bình, việc đầu tư công nghệ trong xây dựng nhà máy xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh phải đáp ứng xử lý được toàn bộ thành phần chất thải rắn sinh hoạt, có phương án tái sử dụng, tái chế các thành phần có ích, tỷ lệ chôn lấp theo quy định; công nghệ đã được ứng dụng thành công.

Đồng thời, nước thải, khí thải phát sinh bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường quy định trước khi thải ra môi trường. Nhà máy có biện pháp thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải nguy hại theo quy định; lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục…