Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết “Tập bản đồ” của họ là bản đánh giá toàn diện nhất về tỉ lệ tử vong và thiệt hại kinh tế do thời tiết, nước và khí hậu khắc nghiệt gây ra.
WMO đã khảo sát khoảng 11.000 thảm họa xảy ra từ năm 1979-2019. Trong đó, có các thảm họa lớn như hạn hán năm 1983 ở Ethiopia là sự kiện gây tử vong nhiều nhất với 300.000 người chết, và cơn bão Katrina năm 2005 gây thiệt hại lớn nhất với 163,61 tỉ USD.
Đám cháy rừng Caldor gần Phillips, California, Hoa Kỳ. (Ảnh: Reuters)
Báo cáo cho thấy, một xu hướng gia tăng với số lượng các thảm họa tăng gần gấp 5 lần từ những năm 1970 đến thập kỷ gần đây nhất. Bên cạnh đó, các dấu hiệu cho thấy hiện tượng thời tiết cực đoan đang trở nên thường xuyên hơn do hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Thiệt hại do các thảm họa cũng tăng từ 175,4 tỉ đô la trong những năm 1970 lên 1,38 nghìn tỉ đô la trong những năm 2010, khi các cơn bão như Harvey, Maria và Irma xé toạc nước Mỹ.
Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết trong lời mở đầu: “Thiệt hại kinh tế đang gia tăng khi mức độ phơi nhiễm gia tăng”.
Nhưng trong khi các mối nguy hiểm trở nên tốn kém hơn và thường xuyên hơn, số người chết hàng năm đã giảm từ hơn 50.000 người trong những năm 1970 xuống còn khoảng 18.000 trong những năm 2010, cho thấy rằng việc lập kế hoạch tốt hơn đang mang lại hiệu quả.
Cơn bão Harvey để lại hậu quả nặng nề cho nước Mỹ. (Ảnh minh họa)
Taalas nói thêm: "Hệ thống cảnh báo sớm đa nguy cơ được cải tiến đã giúp giảm đáng kể tỉ lệ tử vong".
WMO hy vọng báo cáo đưa ra phân tích chi tiết về khu vực sẽ được sử dụng để giúp các Chính phủ phát triển chính sách nhằm bảo vệ người dân tốt hơn.
Báo cáo cho biết, hơn 91% trong số 2 triệu ca tử vong xảy ra ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, chỉ một nửa trong số 193 thành viên của WMO có hệ thống cảnh báo sớm đa nguy cơ.
WMO cũng cho rằng "những lỗ hổng nghiêm trọng" trong quan sát thời tiết, đặc biệt là ở châu Phi, đang làm giảm tính chính xác của các hệ thống cảnh báo sớm.