Trong suốt 90 phút cuộc đọ sức giữa tuyển Việt Nam và tuyển Australia đã diễn ra vào ngày ... trên SVĐ Mỹ Đình, khán giả theo dõi qua sóng truyền hình và nhiều phóng viên có mặt trên sân đều quan sát thấy chất lượng mặt cỏ sân Mỹ Đình xuống cấp trầm trọng.
Chất lượng mặt cỏ sân Mỹ Đình xuống cấp trầm trọng như thế nào?
Thậm chí, khi chứng kiến trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Australia, truyền thông của đội bạn đã ví mặt sân Mỹ Đình như "bãi chăn bò".
Kênh My Football (Australia) đã dẫn lời trung vệ Trent Sainsbury như sau: "Chúng tôi đã biết trước rằng trận đấu với tuyển Việt Nam sẽ diễn ra khó khăn. Mọi người cũng nói khá nhiều về chất lượng sân thi đấu. Ước gì đội tuyển Australia có thể đấu với tuyển Việt Nam trên một mặt sân tốt hơn, như thế chúng tôi sẽ mang đến thứ bóng đá tuyệt vời hơn".
Khi chứng kiến trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Australia, truyền thông của đội bạn đã ví mặt sân Mỹ Đình như "bãi chăn bò"
Mặt sân xấu khiến cho chính lối chơi của đội tuyển Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Nhiều chuyên gia bình luận đã nói rằng, nếu mặt sân tốt hơn, pha dứt điểm của Quang Hải trong những phút đầu trận đấu sẽ không đưa bóng đi vọt xà ngang trong tiếc nuối như vậy. Tình huống dứt điểm hỏng của Quang Hải đầu hiệp 1 được cho là vì bóng đã nẩy lên bất thường do sân không bằng phẳng.
Tình huống dứt điểm hỏng của Quang Hải đầu hiệp 1 được cho là vì bóng đã nẩy lên bất thường do sân không bằng phẳng
Cũng có ý kiến cho rằng quỹ đạo bóng khó kiểm soát do mặt sân xấu khiến thủ môn Văn Lâm khá vất vả ở trận đấu này. Thi đấu trên mặt sân xấu khiến nhiều tuyển thủ Việt Nam nhanh xuống sức. Đây cũng là thực trạng của sân Mỹ Đình với mặt cỏ mấp mô, không đều màu và dễ bị bong tróc.
Quỹ đạo bóng khó kiểm soát do mặt sân xấu khiến thủ môn Văn Lâm khá vất vả ở trận đấu này
Thực tế, gần 10 năm qua, mặt cỏ sân Mỹ Đình cũng không hề được thay mới, chủ yếu là chăm sóc trên nền đất cũ và loại cỏ cũ. Do vậy, chỉ cần thời tiết thời tiết chuyển biến bất thường là mặt cỏ ở Mỹ Đình lập tức có vấn đề cả về thẩm mỹ lẫn chất lượng.
Sân Mỹ Đình không chỉ để lại ấn tượng xấu chỉ riêng mặt cỏ. Hàng loạt hệ thống cơ sở vật chất đã xuống cấp cũng gây mất mỹ quan. Hệ thống khán đài nứt gãy, đọng nước, các phòng chức năng trang thiết bị xuống cấp, nhà vệ sinh bốc mùi… đang là thực trạng tồn tại nhiều năm qua. Chỉ nhìn phòng vận hành các thiết bị công nghệ VAR cũng thấy sự nhếch nhác của cơ sở vật chất tại sân Mỹ Đình.
Bên cạnh đó, hình ảnh khiến nhiều người ngán ngẩm nhất chính là công nghệ kẻ sân thô sơ giống như cách đây 20 năm của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Có đến 4-5 công nhân đi tông, dép tổ ong cùng chiếc xe ba gác kéo tay cũ kỹ và chổi sơn kẻ bằng tay. Hình ảnh "công nghệ xe bò, xô thùng múc tát" đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người ngỡ ngàng khi đây là cách người ta chuẩn bị cho một trận đấu tại sân vận động quốc gia.
Nguồn tiền chăm sóc SVĐ Mỹ Đình từ đâu và đã được sử dụng ra sao?
Có thể thấy, mặt sân nhếch nhác và cơ sở vật chất yếu kém là một chuyện, nhưng trận đấu với tuyển Australia được phát trực tiếp trên khắp các quốc gia trên thế giới đã khiến nhiều người phàn nàn. Bởi không chỉ "xấu", mà điều này còn ảnh hưởng tới lối chơi và phong độ của tuyển thủ 2 quốc gia.
Theo zingnews, ông Stuart, cựu Trưởng bộ phận chăm sóc cỏ của PVF, đồng ý với quan điểm cầu thủ Việt Nam khó dứt điểm bởi mặt sân xấu. "Đã đến lúc phải thay đổi. Việt Nam cần đầu tư vào sân vận động, cơ sở vật chất và học viện để tiến lên", chuyên gia này cho biết.
Cần nhắc lại, Khu liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình đã đưa ra khung giá thuê sân để tổ chức các trận đấu tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 là từ 350-500 triệu đồng/trận. Thế nhưng, chất lượng mặt sân và cơ sở vật chất dành cho trận đấu quốc tế lại không được "5 sao" như mong đợi.
Mặt sân Mỹ Đình trận Việt Nam – Australia. Ảnh
Thế nhưng, sau trận đấu mà mặt sân bị "chê xấu" trước truyền thông quốc tế, trả lời báo chí, ông Nguyễn Trọng Hổ - Giám đốc Khu LHTTQG Mỹ Đình quả quyết rằng: “Với 11 năm mà sân Mỹ Đình vẫn được chăm sóc cỏ như hiện nay là quá tuyệt vời. Chúng tôi có cả kỹ sư nông nghiệp để chăm sóc cỏ, một tuần cắt 2-3 lần, cắt đúng tiêu chuẩn. Theo tôi, sân Mỹ Đình thừa sức tổ chức các trận thi đấu ở SEA Games và tầm châu Á. Tôi khẳng định mặt sân cỏ Mỹ Đình 5-10 năm nữa chưa phải thay, với điều kiện chăm sóc phải tốt”.
Sau câu chuyện trên, những khán giả từng xem trận đấu đặt ra câu hỏi liệu SVĐ Mỹ Đình đã thực sự được chăm sóc tốt? Nguồn tiền chi cho việc chăm sóc SVĐ Mỹ Đình từ đâu và đã được sử dụng ra sao?
Được biết, một khoản thu rất quan trọng của các sân bóng quốc gia là xã hội hóa để có kinh phí phục vụ ngược lại cho việc duy tu, bảo quản sân. Nguồn thu từ những hoạt động văn hóa giải trí này luôn dồi dào có nghĩa vụ đóng góp đáng kể giúp ban quản lý chăm sóc lại mặt sân và các công trình phụ khác của sân trong điều kiện tốt nhất, hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên việc thực hiện xã hội hóa này đã được thực hiện tốt hay chưa?
Tôi đặt ra câu hỏi rằng các hoạt động mà quản lý ở khu liên hợp Mỹ Đình mở ra từ trước đến nay có phải chăng chỉ chủ yếu là những hoạt động kinh doanh phi thể thao, và khoản thu từ hoạt động này dành bao nhiêu phần trăm để đầu tư nâng cấp sân bãi?
Có hay không việc đầu tư nâng cấp sân bãi không được quan tâm mà chỉ trông chờ ngân sách nhà nước dẫn đến mặt sân Mỹ Đình hơn 10 năm không làm lại, xuống cấp nghiêm trọng làm xấu xí hình ảnh quốc gia?
Trong tháng 9 và tháng 10, khi phục vụ các trận đấu tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và xa hơn là SEA Games 31 vào năm sau, LHTTQG Mỹ Đình cần phải nỗ lực rất nhiều để cải thiện các điều kiện tổ chức trận đấu. Liệu cho đến thời gian các trận đấu tiếp theo bắt đầu, những vấn đề nhức nhối này có tiếp tục lặp lại?