Các nhà khoa học khí hậu từ lâu cảnh báo rằng thế kỷ 21 sẽ chứng kiến thảm họa thiên nhiên nhiều hơn và nghiêm trọng hơn do sự nóng lên của khí hậu. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), các đợt sóng nhiệt, cháy rừng và lũ lụt do mưa lớn đã quét qua toàn bộ Bắc Bán cầu trong mùa hè này, khiến hàng trăm người thiệt mạng và phá hủy nhiều nhà cửa.
WMO cũng lưu ý rằng, năm 2021 cũng sẽ nằm trong chuỗi năm nóng nhất, bất chấp ảnh hưởng của quá trình hạ nhiệt tạm thời do La Niña gây ra, các tác động của nó thường mạnh hơn trong năm thứ hai. Cơ quan Liên Hợp Quốc nhấn mạnh: “Do đó, vẫn còn phải xem mức độ làm mát liên tục do La Niña gây ra có thể tạm thời hạn chế xu hướng chung của sự ấm lên lâu dài trong năm 2021”.
Tình trạng biến đổi khí hậu, do con người gây ra, đã khiến những hình thái thời tiết cực đoan trở nên nghiêm trọng hơn, tàn phá nhiều khu vực ở châu Âu và Bắc Mỹ. Từ mức nhiệt cao kỷ lục ở vùng Death Valley tại Canada, đến những trận lụt kinh hoàng làm nhiều người thiệt mạng ở Trung Quốc và châu Âu, đây là những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất từ trước đến nay.
Lũ lụt nghiêm trọng tàn phá nhiều ngôi nhà ở Insul, Đức. (Ảnh: AP)
Theo đó, một số quốc gia ở Tây Âu đã ghi nhận các trận mưa với tổng mực nước trong hai ngày cao bằng hai tháng thông thường, đặc biệt Đức, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg chịu tác động nặng nề nhất. Trong đó, đợt mưa lũ tồi tệ nhất trong vòng 100 năm qua làm nhiều con sông bị vỡ bờ, gây ngập lụt diện rộng ở Tây Âu, làm khoảng 1.300 người mất tích, nhiều nhà cửa bị cuốn trôi.
Bên cạnh đó, những trận cháy rừng đang lan rộng khắp Địa Trung Hải, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Tây Ban Nha, khiến khách du lịch tại Italy và Hy Lạp phải sơ tán và 8 người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Liên minh châu Âu (EU) đã phải điều máy bay chữa cháy đến trợ giúp Thổ Nhĩ Kỳ ứng phó, trong khi nước láng giềng Hy Lạp đang phải hứng chịu đợt nóng tồi tệ nhất từ năm 1987.
Tháng 6 vừa qua, miền Tây Canada đã đối mặt với “vòm nhiệt” - hiện tượng xuất hiện khi hơi ẩm kết hợp cùng nhiệt độ cao. Nước này đã ghi nhận những mức nhiệt cao nhất, lên tới 49,6 độ C ở làng Lytton hôm 30/6 vừa qua.
Các bang ở Tây Bắc nước Mỹ là Washington và Oregon cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Hiện chưa có con số thương vong chính xác nhưng hàng trăm người có thể đã thiệt mạng.
Theo nhiều nhà khoa học, các đợt nắng nóng bao trùm miền Tây nước Mỹ và Canada hồi cuối tháng 6 vừa qua là hệ quả của tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây nên. Chính hoạt động của con người đã khiến nhiệt độ Trái Đất tăng cao, làm gia tăng các cơn bão, đợt nắng nóng cực đoan, gây hạn hán và cháy rừng.
Trước đó, nghiên cứu mới của nhóm tác giả thuộc hơn 14.000 nhà khoa học từng ký tên vào sáng kiến tuyên bố tình trạng khẩn cấp khí hậu toàn cầu chỉ ra rằng, thái độ thờ ơ của các nền kinh tế trên thế giới trước biến đổi khí hậu khiến các “dấu hiệu sinh tồn” của Trái Đất ngày càng trở nên tồi tệ.
Từ năm 2019 đến nay có “sự gia tăng chưa từng thấy” trong số lượng thảm họa liên quan tới khí hậu, bao gồm lũ lụt ở Đông Nam Á, nắng nóng kỷ lục và cháy rừng ở Australia và Mỹ…
Theo đó, 18 trong 31 “dấu hiệu sinh tồn”, những chỉ số then chốt đánh giá sức khỏe Trái Đất như lượng phát thải khí nhà kính, độ dày tảng băng, mức độ phá rừng, đều lập kỷ lục theo chiều hướng xấu.
Tuy ô nhiễm không khí giảm nhẹ trong đại dịch, mức độ CO2 và metan trong không khí đã đạt đỉnh chưa từng thấy trong năm 2021.
Bên cạnh đó, nhiệt độ nước biển và mực nước biển toàn cầu cũng lập kỷ lục từ năm 2019. Diện tích dải băng ở Greenland và Nam Cực gần đây giảm xuống mức thấp nhất từ trước tới nay, trong khi sông băng tan chảy với tốc độ nhanh hơn 31% so với 15 năm trước.
Các nhà khoa học nhận định rằng, cho đến nay, Chính phủ các nước chưa giải quyết tình trạng Trái Đất bị khai thác quá mức, trong khi đây là vấn đề gốc rễ của biến đổi khí hậu.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, các dịch bệnh nguy hiểm đang lan tràn ở nhiều nơi trên thế giới. Hàng năm, có khoảng 150.000 người chết do các bệnh có liên quan đến biến đổi khí hậu. Ngoài ra, các thiệt hại về kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra cũng ngày càng tăng theo nhiệt độ Trái Đất. Các cơn bão lớn làm mùa màng thất bát, mất nhà cửa, cần tới chi phí khổng lồ để dọn dẹp và khôi phục cuộc sống người dân sau bão lũ. Khí hậu càng khắc nghiệt càng làm tăng tổn thất về kinh tế; ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống người dân khi phải chịu cảnh giá thực phẩm và nhiên liệu leo thang; các Chính phủ phải đối mặt giảm sút nguồn thu... |