Lagos, thành phố hơn 24 triệu dân, đang phải hứng chịu đợt lũ lụt nghiêm trọng bất thường và nguy cơ bị nhấn chìm vì nước biển dâng.
Nơi này được hình thành một phần trên đất liền và gồm một chuỗi các đảo. Thành phố này đang vật lộn với tình trạng xói mòn đường bờ biển khiến thành phố dễ bị ngập lụt. Nhà môi trường Nigeria Seyifunmi Adebote nhận định nguyên nhân là do hiện tượng nóng lên toàn cầu và "hành động do con người trong thời gian dài".
Ảnh chụp từ trên không của Đảo Lagos ở Lagos, thủ đô thương mại của Nigeria hồi năm 2016. Ảnh: CNN
Người dân Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, đã quen với những trận lũ lụt hàng năm nhấn chìm thành phố ven biển từ tháng 3 đến tháng 11. Tuy nhiên vào giữa tháng 7, Đảo Lagos, khu vực thương mại sầm uất của thủ đô Nigeria, đã trải qua một trong những trận lũ lụt tồi tệ nhất những năm gần đây.
"Nó rất tồi tệ và bất thường. Tôi lái xe ra khỏi nhà mà không nhận ra trời đã mưa rất lớn. Trên đường đi, giao thông tê liệt vì lũ. Càng đi, mực nước càng dâng cao. Nước dâng cao đến mức cản trước xe rồi tràn vào bên trong xe của tôi", anh Eselebor Oseluonamhen, 32 tuổi,người điều hành một công ty truyền thông ở Lagos, kể lại.
Những hình ảnh và video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy hàng chục phương tiện chìm trong biển nước sau trận mưa xối xả. Lũ lụt đã làm tê liệt hoạt động kinh tế, với chi phí thiệt hại ước tính khoảng 4 tỉ USD mỗi năm.
Các dự báo khoa học dự báo Lagos - nơi sinh sống của 24 triệu dân, thành phố trũng nằm trên bờ biển Đại Tây Dương của Nigeria - có khả năng sẽ không thể tồn tại vào cuối thế kỷ này khi mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu.
Người dân lội qua con đường ngập nước ở Aboru, Lagos, sau trận mưa lớn vào ngày 6/7/2020. Ảnh: CNN
Ông Manzo Ezekiel, phát ngôn viên Cơ quan Quản lý khẩn cấp Nigeria (NEMA), cho biết bờ biển Đảo Victoria của Lagos đã bị "cuốn trôi, đặc biệt ở khu VI của Lagos, nước biển dâng cao và ngày càng lấn sâu vào đất liền".
Kết quả nghiên cứu do nhóm Climate Central cho biết các thành phố ven biển trũng ở một số nơi trên thế giới có thể bị nhấn chìm vĩnh viễn vào năm 2100. Theo đó, các khu vực bị ảnh hưởng có thể chìm xuống dưới đường triều cường nếu mực nước biển tiếp tục dâng cao.
Theo dữ liệu của NEMA , đã có trên 2 triệu người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi lũ lụt năm 2020 và ít nhất 69 người chết trong thảm họa lũ lụt năm ngoái. Năm 2019, hơn 200.000 người bị ảnh hưởng và 158 người thiệt mạng.
Ngoài biến đổi khí hậu, hệ thống thoát nước kém và tắc nghẽn trong thành phố cũng được cho đã khiến tình trạng ngập lụt gia tăng.
Một người dùng Twitter đã bình luận khi xem video về trận lũ lụt gần đây ở Lagos: "Biến đổi khí hậu góp phần không nhỏ khiến mực nước biển dâng cao, nhưng những gì bạn có thể thấy trong video này chủ yếu là vấn đề hệ thống thoát nước".
Ngoài ra, khi lũ lụt hoành hành ở một số khu vực, các khu dân cư thu nhập thấp, sinh sống trên các vùng đất trũng, cũng có nguy cơ bị ngập úng.