Thanh Tâm ·
1 năm trước
 8349

Thấy gì từ việc Thái Bình điều chuyển gần 12.000ha rừng đặc dụng ven biển Tiền Hải?

Theo quyết định số 731/QĐ-UBND do UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt vào ngày 17/4/2023, gần 12.000ha rừng đặc dụng ven biển Tiền Hải sẽ bị "xóa sổ".

Gần 12.000ha khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải có thể bị "xóa sổ"

Phó Chủ tịch tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn vừa thay mặt UBND tỉnh ký Quyết định số 731 ngày 17/4/2023 về việc xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu vực rừng đặc dụng ven biển tại ba xã ven biển là Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Khu vực này còn có tên gọi là Khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước Tiền Hải.

Theo Quyết định 731, quy mô diện tích của Khu bảo tồn chỉ còn 1.320ha, bao gồm 632ha đất có rừng ngập mặn và 688ha đất chưa có rừng. Vị trí của Khu bảo tồn nằm ở vùng ngoài đê biển của thuộc ba xã Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh của huyện Tiền Hải.

Trước đó, ngày 26/9/2014, UBND tỉnh Thái Bình có Quyết định 2159 về việc phê duyệt đề án và xác lập khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Quyết định này xác lập quy mô Khu bảo tồn là 12.500ha, gồm 1.430ha rừng, 11.050ha đất ngập nước và bãi bồi.

Thái Bình đã thu hẹp, gần như “xóa sổ” Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải - một trong hai vùng lõi của khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng - khi giảm quy mô từ 12.500 ha xuống còn 1.320ha.

Quyết định 2159 cũng xác lập vị trí của Khu bảo tồn nằm ở tả ngạn cửa Ba Lạt thuộc huyện Tiền Hải, ranh giới phía Tây giáp đê thuộc các xã Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh. Phía Nam Khu bảo tồn là sông Hồng, phía Đông là dải cồn cát cao Cồn Vành, Cồn Thủ từ cửa Ba Lạt đến cửa Lân, tiếp giáp với biển.

Như vậy với Quyết định 731, Thái Bình đã thu hẹp, gần như “xóa sổ” khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải khi giảm quy mô tới 11.280ha.

Diện tích này sẽ đi đâu?

Một trong những căn cứ để UBND tỉnh Thái Bình ban hành quyết định 731 (thu hẹp diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải) là để phù hợp với quyết định 1486 do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký ngày 28/10/2019, phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

UBND tỉnh Thái Bình xác định sau khi giảm về quy mô diện tích thì Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải sẽ được "bao quanh" bởi các dự án kinh tế trọng điểm của tỉnh. Cụ thể, khu vực phía bắc, nam và đông của khu bảo tồn sẽ tiếp giáp với quy hoạch khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ, phía tây giáp quy hoạch khu nuôi trồng thủy hải sản công nghệ cao.

 
Vậy 11.180ha của Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải đi đâu?

Trong đó, khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ có quy mô 3.348ha đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng 1/2.000.  Dự án này có quy mô dân số khoảng 34.600 người, với năm phân khu chức năng gồm: sân golf, casino và khách sạn nghỉ dưỡng 5 sao, khu du lịch sinh thái - tâm linh, công viên vui chơi giải trí cảm giác mạnh, khu đô thị du lịch sinh thái.

Bên cạnh đó, Thái Bình cũng đang xin ý kiến các Bộ, ngành về bản đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Nam Phú (huyện Tiền Hải).

Cụ thể, ngày 28/3, UBND tỉnh Thái Bình đã có văn bản số 918 gửi Bộ Xây dựng để cho ý kiến đối với đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đến năm 2040.

Quy hoạch đang đi ngược với nỗ lực bảo tồn thiên nhiên

Trao đổi với báo chí về Quyết định số 731 của tỉnh Thái Bình, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đặt câu hỏi, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải bị giảm 9/10 diện tích có khi nào do nhầm lẫn trong quá trình làm quy hoạch khu kinh tế? Các đơn vị tư vấn quy hoạch: Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), Hansen Partnership (Úc), Công ty cổ phần tư vấn và xây dựng Hợp Hưng nên rà soát lại và giúp tỉnh Thái Bình điều chỉnh, phục hồi lại diện tích khu bảo tồn, giữ lại danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Nỗ lực bảo tồn thiên nhiên để chống lại những tác hại của biến đổi khí hậu được thế giới và Việt Nam thực hiện nghiêm ngặt. Mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 30% diện tích đất liền (gọi tắt là mục tiêu 30x30), các vùng nước nội địa, vùng ven biển và biển, đặc biệt là các khu vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với đa dạng sinh học, các chức năng và dịch vụ của hệ sinh thái, được bảo tồn, quản lý hiệu quả, có tính đại diện về mặt sinh thái, kết nối tốt và công bằng. Quy hoạch nêu trên có thể khẳng định đi ngược lại với chủ trương này

"Việt Nam sẽ quyết liệt hành động thực hiện khung đa dạng sinh học toàn cầu nghĩa là cùng đồng hành thực hiện mục tiêu tham vọng 30x30 nêu trên  Nhưng nếu không giữ được, chưa nói đến mở rộng các hệ sinh thái tự nhiên còn sót lại thì rất khó để chúng ta mới thực hiện được cam kết này. Đấy cũng là lý do mà chúng tôi lo ngại khi một khu bảo tồn có nguy cơ biến mất",  ông Trịnh Lê Nguyên nói.

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, TS Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập về môi trường, Quy hoạch Khu kinh tế Thái Bình chồng lấn lên rất nhiều các quy hoạch trước đó mà UBND tỉnh Thái Bình đã phê duyệt, trong đó có Quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012-2020 và chồng lấn lên Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

TS Trường cho biết, toàn bộ diện tích khu vực ven biển của 3 xã Nam Thịnh, Nam Hưng, Nam Phú của huyện Tiền Hải (3 xã có rừng đặc dụng) được quy hoạch cho khu kinh tế, chỉ còn đúng 1.320 ha dành cho rừng ngập mặn. Nếu tăng quy mô khu rừng đặc dụng ở đây cũng sẽ bị chồng lấn vào khu kinh tế và phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

“Nếu Quyết định số 1486/QĐ-TTg ngày 28/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 không chồng lấn vào khu rừng đặc dụng thì UBND tỉnh Thái Bình đã không phải điều chỉnh lại quy hoạch giảm diện tích rừng”, TS Trường nêu.

Khu bảo tồn có vai trò đặt biệt quan trọng

Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là một trong hai vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, được UNESCO công nhận vào ngày 2/12/2004. Đây là nơi lưu giữ những giá trị sinh học đa dạng, phong phú với 215 loài chim, trong đó có gần 160 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước, nhiều loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ thế giới. Đây là sân chim quan trọng không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với thế giới nhờ hệ động thực vật đáy phong phú.

Theo Quyết định 2159, Khu bảo tồn có chức năng bảo tồn môi trường, sinh cảnh và quần thể sinh vật vùng cửa sông Ba Lạt. Bảo tồn sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu, độc đáo của hệ sinh thái đất ngập nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn chim nước sinh sống hoặc dừng chân trên đường di cư hằng năm. Khu bảo tồn cũng có vai trò phòng hộ ven biển và cửa sông, đảm bảo an ninh, môi trường và sự phát triển bền vững của tỉnh cũng như khu vực. Làm hiện trường nghiên cứu khoa học phục vụ nhu cầu nghiên cứu trong nước và quốc tế. Nuôi trồng thực nghiệm, bảo tồn các loài gene quý hiếm, giáo dục môi trường và tổ chức du lịch sinh thái.