Đinh Hà ·
3 năm trước
 1767

Thế giới còn còn cách mục tiêu khí hậu bao xa?

"Thế giới đang đi chệch hướng, còn rất xa để đáp ứng mục tiêu của Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu thêm 1,50C" - Liên hợp quốc, nhận định.

Nhu cầu khí đốt toàn cầu vẫn tăng không ngừng

Ngày 5/7, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, nhu cầu khí đốt toàn cầu cho tới năm 2024 gia tăng sau khi giảm kỷ lục vào năm ngoái là mối đe dọa đối với mục tiêu khí hậu quốc tế nhằm đặt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

IEA cho biết: “Nhu cầu khí đốt tự nhiên sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021 và sẽ tiếp tục tăng nếu các Chính phủ không thực hiện các chính sách mạnh mẽ để đưa thế giới vào con đường hướng tới phát thải ròng bằng không vào giữa thế kỷ này”.

Nhu cầu khí đốt vào năm 2021 dự kiến sẽ tăng 3,6% khi các nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau mức giảm kỷ lục vào năm 2020 do các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19. Từ năm 2022-2024, nhu cầu tăng trưởng dự kiến sẽ đạt trung bình 1,7% mỗi năm, có nghĩa là nhu cầu khí đốt sẽ quá cao để tuân theo lộ trình của IEA hướng tới đáp ứng mức phát thải ròng trên toàn cầu bằng không vào năm 2050.

Nhu cầu khí đốt toàn cầu vẫn tăng không ngừng.

Nhu cầu khí đốt toàn cầu vẫn tăng không ngừng. (Ảnh: Báo Xây dựng)

IEA hồi tháng 5/2021 đã công bố lộ trình để ngành năng lượng đạt được mục tiêu không phát thải ròng và cho biết các nhà đầu tư không nên tài trợ cho các dự án mới cung cấp dầu, khí và than. Tuy vậy, báo cáo mới nhất của cơ quan này cho biết, nhu cầu mới có thể được đáp ứng bởi các dự án đã được phê duyệt hoặc đang được xây dựng trước đại dịch.

Trong tháng 6/2021, giá khí đốt toàn cầu đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm, với nhiệt độ cao làm gia tăng nhu cầu phát điện ở Bắc bán cầu và một số khu vực như châu Á tìm cách tăng dự trữ nguồn điện trước mùa đông.

Báo cáo cho biết giá khí đốt tại Hà Lan theo tiêu chuẩn châu Âu dự kiến sẽ đạt trung bình 9,5 đô la/triệu Đơn vị nhiệt Anh (MBtu) vào năm 2021, mức cao nhất kể từ năm 2013, trong khi giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao tại châu Á dự kiến trung bình là 11 đô la/MBtu, cao nhất kể từ năm 2014.

Cần nỗ lực để thực hiện cam kết mạnh mẽ hơn nữa

Chuyên gia đặt dấu hỏi về việc các quốc gia thực hiện đến đâu trong cam kết của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được ký kết năm 2015. Nhìn lại 5 năm trước, hơn 190 quốc gia đã thông qua Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, mở đường để thế giới tiến tới một tương lai xanh hơn. Thực hiện các mục tiêu đặt ra, hầu hết các quốc gia đều cam kết sẽ cùng nỗ lực hạn chế nền nhiệt toàn cầu tăng dưới ngưỡng 20C vào cuối thế kỷ 21 so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Tuy nhiên sau 5 năm ký kết, Thỏa thuận Paris đã không mang lại nhiều tiến bộ như mong đợi. Dù hàng loạt các cảnh báo cấp bách về thiên tai khí hậu vẫn đang được đưa ra, nhưng thực tế là các Chính phủ vẫn dè dặt trong chính sách về khí hậu.

Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 trong năm 2020 đã khiến cho nhiều quốc gia quay cuồng trong cuộc khủng hoảng kép về y tế và kinh tế và nhiều nước đã phải tạm gác lại những cam kết về chống biến đổi khí hậu. Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP) lần thứ 26 cũng đã dời ngày tổ chức sang tháng 11/2021. Theo đó, nhiều nước cũng đã trì hoãn trình bản Cam kết tự nguyện đóng góp cắt giảm khí thải nhà kính (NDC) mới theo đúng kế hoạch vào cuối năm 2020 sang năm sau. Cho tới nay, có chưa đến 20 quốc gia trong nhóm phát thải khoảng 5% khí thải toàn cầu nộp bản kế hoạch mới.

Tuy nhiên, tại một hội nghị do LHQ cùng Anh và Pháp đồng bảo trợ đã được tổ chức trực tuyến vào ngày 12/12/2020, nhiều nền kinh tế đã công bố những cam kết khí hậu mạnh mẽ hơn. Ví dụ như Liên minh châu Âu (EU) đưa ra mục tiêu tới năm 2030 cắt giảm 55% lượng khí thải, tăng so với mức 40% trước đây. Vương quốc Anh thông báo vào năm 2030 sẽ cắt giảm 68% khí thải so với mức năm 1990. Trung Quốc cam kết cắt giảm 25% và đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060. Mặc dù vậy, bên cạnh đó vẫn còn sự“im lặng” của nhiều quốc gia trong hành động để giảm thiểu sự biến đổi khí hậu. Đơn cử như Brazil và Nga, dù đã đưa ra NDC mới nhưng không đặt mục tiêu cắt giảm khí thải cao hơn, còn Indonesia và Australia tuyên bố sẽ không tăng mức cắt giảm, trong khi một số nước phát thải lớn, như Ấn Độ, cam kết đưa ra mục tiêu cao hơn nhưng chưa thực hiện.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, nếu như các nước không có hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn để thực hiện tốt mục tiêu ngăn biến đổi khí hậu, trong vòng 30 năm tới, thế giới sẽ phải chấp nhận làm quen với tình trạng thảm họa tự nhiên ngày càng dày đặc và khắc nghiệt, thậm chí vượt quá mức kiểm soát và ứng phó của con người. Người dân sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình dự kiến sẽ phải chịu những tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, từ mất an ninh lương thực gia tăng cho đến hạn hán ngày càng nghiêm trọng và thường xuyên. Số người sống ở các khu vực khan hiếm nước nghiêm trọng dự kiến sẽ tăng từ 42% đến 95%, tương đương 2,7 đến 3,2 tỉ người. Người dân ở Châu Phi, Trung Đông và Nam Á sẽ phải đối mặt với việc giảm lượng nước cung cấp nhiều nhất.

Tại một cuộc họp báo Liên hợp quốc, nhận định "Thế giới đang đi chệch hướng, còn rất xa để đáp ứng mục tiêu của Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu thêm 1,50C. Nếu mọi thứ vẫn như cũ, nhiệt độ sẽ tăng 3 đến 5 độ so với mức thời kì tiền công nghiệp” cũng được đưa ra.

Trước những nguy cơ trên và nhìn vào hành động thực tế của các quốc gia thì rõ ràng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cần sự đồng thuận mạnh mẽ hơn nữa từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là cần có những hành động thiết thực hơn.

Luật khí hậu của EU chính thức có hiệu lực

Luật khí hậu đã được các nước thành viên EU thông qua vào ngày 28/6, đặt ra mục tiêu tham vọng mang tính ràng buộc pháp lý của khối này trong việc trung hòa khí thải carbon vào năm 2050. Luật cũng quy định việc cắt giảm lượng khí thải vào năm 2030 ít nhất là 55% so với năm 1990.

Theo kế hoạch, vào ngày 14/7 tới, EC sẽ đề xuất một loạt các chính sách định hình lại ngành công nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải và nhà ở nhằm giảm nhanh hơn lượng khí thải CO2 để đáp ứng được mục tiêu đề ra.

Các đề xuất sẽ bao gồm các mục tiêu tham vọng hơn về năng lượng tái tạo, cải cách thị trường carbon của EU và siết chặt tiêu chuẩn về khí thải đối với các ô tô mới.

Phần lớn các luật hiện hành của EU hướng tới thực hiện mục tiêu mà khối này đề ra trước đây là giảm 40% lượng khí thải đến năm 2030. Do vậy, các luật này cần phải sửa đổi để đáp ứng các mục tiêu mới đề ra về giảm lượng khí thải.

Nguồn