Minh Phương ·
2 năm trước
 3222

Thế giới đang 'hứng chịu' đợt nắng nóng kỷ lục

Nhiều quốc gia trên thế giới đang phải hứng chịu tháng nắng nóng kỷ lục, thậm chí tới "mức cực đoan" và dự kiến sẽ còn kéo dài.

Hàng loạt kỷ lục về nắng nóng được thiết lập

Ngày 28/6, các thành phố Portland, Salem thuộc bang Oregon của Mỹ, và Seattle thuộc bang Washington đã ghi nhận các mốc nhiệt cao kỷ lục mới khi khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương đang hứng chịu đợt nắng nóng gay gắt gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống thường nhật của người dân.

Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) cho biết nhiệt độ cao nhất đo được tại Salem là 47,2 độ C. Đây là mốc nhiệt cao chưa từng có kể từ khi NWS bắt đầu thu thập dữ liệu vào những năm 1890.

Cùng ngày, nhiệt độ ở sân bay quốc tế Seattle-Tacoma thường xuyên ở ngưỡng 41,1 độ C, xô đổ kỷ lục ghi nhận hôm 27/6. Trong khi đó, nhiệt độ tại sân bay ở Portland có thời điểm lên tới 46,1 độ C, vượt các mốc kỷ lục trong ngày thứ 3 liên tiếp.

Tương tự tình hình tại Mỹ, tỉnh British Columbia, miền Tây Canada, đã đóng cửa các cơ sở giáo dục và các trường đại học do nắng nóng khiến nhiệt độ tại đây tăng lên ngưỡng cao nhất trên cả nước trong những ngày cuối tuần qua.

nắng nóng kỷ lục

Theo Viện Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada (ECCC), thị trấn Lytton thuộc tỉnh British Columbia đã ghi nhận mốc nhiệt 46,6 độ C trong ngày 27/6, vượt mức kỷ lục 45 độ C từng đo được tại tỉnh Saskatchewan vào năm 1937.

Dự báo, thời tiết sẽ còn nắng nóng hơn trong những ngày tới, với việc nhiều khu vực ở miền Tây Canada sẽ xác lập các mốc nhiệt cao chưa từng có.

Chuyên gia Greg Flato tại Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada, nhiệt độ cao tiếp diễn là điều bất thường ở tây bắc Đại Tây Dương, nơi thường có nhiều mưa. Hiện tượng bất thường do đới cao áp không di chuyển tại đây, ông phân tích.

“Nhiệt độ trong ngày rất nóng và không hạ nhiều vào ban đêm, trái với trạng thái thời tiết thông thường ở Bờ Tây và xuất hiện khắp Đại Tây Dương”, ông cho biết và cảnh báo về tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng trầm trọng hơn.

Tại khu vực Trung Á, nắng nóng kỷ lục và hạn hán đang gây ra tình trạng thiếu nước và mất mùa. Uzbekistan bước vào tháng 6 với lời cảnh báo nhiệt độ từ ngày 3 đến 7/6 có thể tăng thêm 7-10 độ C so với thông thường. Nhiệt độ đo được tại Thủ đô Tashkent vào ngày 6/6 là 42,6 độ C - cao hơn 4,1 độ C so với kỷ lục trước đó đối với riêng ngày này vào năm 1811.

Giám đốc Trung tâm Khí tượng Tajikistan Jamila Baydulloeva cho biết trong tuần đầu tiên của tháng 6, có những ngày nhiệt kế chạm mốc 45 độ C ở Thủ đô Dushanbe và tỉnh Khatlon. Đây là con số cao kỷ lục từng được Tajikistan ghi nhận vào đầu tháng 6 trong suốt nhiều thập kỷ.

Tại Thủ đô Ashgabat của Turkmenistan cũng đang trải qua tháng 6 với nhiệt độ có ngày lên đến 45 độ C trong khi mùa hè chỉ mới bắt đầu. Thông thường, tháng 7 và tháng 8 mới là thời điểm nóng nhất trong năm của Ashgabat nói riêng và Trung Á nói chung.

Bản thảo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hiệp Quốc dự kiến được công bố vào tháng 2/2022, nếu nhiệt độ trung bình trên trái đất tăng thêm 1,5 độ C - tức thêm 0,4 độ C so với mức hiện tại, 14% dân số thế giới sẽ hứng chịu những đợt nắng nóng cực đoan ít nhất 5 năm/lần.

Là nguyên nhân khiến gần 40% ca tử vong

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Climate Change, do một nhóm 70 chuyên gia quốc tế thực hiện, là một trong những nghiên cứu đầu tiên và lớn nhất đánh giá những hậu quả về sức khỏe đã xảy ra do biến đổi khí hậu. Theo đó, dữ liệu từ 732 địa điểm tại 43 quốc gia trên khắp các lục địa có người sinh sống cho thấy hiện tượng ấm lên toàn cầu có thể là nguyên nhân trực tiếp gây ra trung bình 37% số ca tử vong liên quan đến nắng nóng.

Tác giả nghiên cứu Antonio Gasparrini, Giáo sư thống kê sinh học và dịch tễ học thuộc trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London (Anh) nhấn mạnh "Biến đổi khí hậu không phải là điều gì đó xảy ra trong tương lai xa... Chúng ta giờ đã có thể đo lường những tác động tiêu cực của nó đến sức khỏe con người, ngoài các tác động đến môi trường và sinh thái đã được biết đến".

Các tác giả cho biết nếu dùng phương pháp nghiên cứu này áp dụng với toàn thế giới, số ca tử vong do nắng nóng liên quan đến biến đổi khí hậu có thể lên tới 100.000 ca/năm.

Tỉ lệ các ca tử vong liên quan đến nắng nóng do hiện tượng ấm lên toàn cầu trong nghiên cứu mới tương đối khác biệt giữa các quốc gia. Đơn cử như ở Mỹ, Australia, Pháp, Anh và Tây Ban Nha, tỉ lệ này gần như tương đương với mức trung bình của tất cả các quốc gia, từ 35% đến 39%. Đối với Mexico, Nam Phi, Thái Lan, Việt Nam và Chile, con số này là trên 40%. Với các quốc gia như Brazil, Peru, Colombia, Philippines, Kuwait và Guatemala, tỉ lệ tử vong liên quan đến nắng nóng do hiện tượng ấm lên toàn cầu là bằng hoặc hơn 60%.

Bằng phương pháp phức tạp kết hợp dữ liệu sức khỏe và những ghi chép về nhiệt độ từ năm 1991 đến năm 2018 cùng với mô hình khí hậu, các nhà nghiên cứu có thể so sánh số ca tử vong thực tế do nắng nóng với số ca ước tính trong trường hợp không có hiện tượng ấm lên toàn cầu do con người gây ra. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng việc nhiệt độ trung bình vào mùa Hè tăng lên 1,5 độ C kể từ năm 1991 tại các địa điểm được khảo sát không phải là nguyên nhân khiến tỉ lệ tử vong tăng cao, mà là do các đợt nắng nóng cùng các yếu tố như thời gian kéo dài, nhiệt độ ban đêm và độ ẩm.

Khả năng thích nghi của người dân cũng ảnh hưởng đến tỉ lệ tử vong do nắng nóng. Theo đó, nếu 95% dân số có điều hòa nhiệt độ, tỉ lệ tử vong sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp ngược lại hoặc nếu nông dân phải làm việc ngoài trời trong nhiệt độ 45 độ C để nuôi sống gia đình, hậu quả có thể rất thảm khốc. Ngay cả các quốc gia giàu có cũng không nằm ngoài nguy cơ trên. Đơn cử như năm 2003, một đợt nắng nóng liên tục ở Tây Âu đã cướp đi sinh mạng của 70.000 người.

Các nhà khoa học cảnh báo các đợt nắng nóng gây chết người có thể xuất hiện 1 lần trong 1 thế kỷ trước khi biến đổi khí hậu xảy ra vào giữa thế kỷ này. Nhà nghiên cứu Dan Mitchell thuộc Viện Môi trường Cabot, Đại học Bristol (Anh), nhấn mạnh đã đến lúc các nhà lãnh đạo trên thế giới cần thay đổi tư duy để nắm rõ được những nguy cơ mà biến đổi khí hậu gây ra đối với sức khỏe con người.

Nguồn