Hà Lan ·
3 năm trước
 2181

Thế giới đang 'khát' nước sạch

Theo Liên hiệp quốc, hiện nay có hơn 2,6 triệu người trên toàn cầu không được tiếp xúc với điều kiện vệ sinh cơ bản và gần một tỉ người không được dùng nước sạch.

Theo Liên hiệp quốc, hiện nay có hơn 2,6 triệu người trên toàn cầu không được tiếp xúc với điều kiện vệ sinh cơ bản và gần một tỉ người không được dùng nước sạch.

Cơn "khát" của nhiều quốc gia

Báo cáo Ngân hàng Thế giới ước tính, tới năm 2030, nhu cầu về nguồn nước của con người sẽ vượt lượng cung tới 40%.

Theo Liên Hiệp Quốc, hiện nay có hơn 2,6 triệu người trên toàn cầu không được tiếp xúc với điều kiện vệ sinh cơ bản và gần một tỉ người không được dùng nước sạch. Cứ 20 giây lại có một trẻ em tử vong vì các bệnh liên quan đến tình trạng thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh phù hợp.

Hiện tại, hơn 80 quốc gia, đại diện cho 40% dân số thế giới, đang trải qua tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Các nước Tây Nam Á đối mặt với mối đe dọa lớn nhất với hơn 90% dân số của khu vực thiếu nước trầm trọng.

tm-img-alt
Nguồn nước sạch hiện vẫn là giấc mơ của hàng triệu người ở những vùng đất khô hạn và bán khô hạn Châu Phi. (Ảnh minh họa)

- 70% diện tích Trái Đất được bao phủ bởi nước nhưng chỉ có 2,5% nước trên thế giới là nước ngọt, trong khi 97,5% là đại dương. Trong đó, 0,3% nước ngọt của thế giới nằm trong các sông, hồ; 30% là nước ngầm, phần còn lại nằm trên các sông băng, núi băng.

- 70% lượng nước trên thế giới được sử dụng cho nông nghiệp, 22% cho công nghiệp và 8% phục vụ sinh hoạt.

- Theo ước tính, trung bình một người ở các nước phát triển sử dụng 500-800 lít/ngày so với 60-150 lít/người/ngày ở các nước đang phát triển.

Theo số liệu của WRI cập nhật trên Bản đồ nguy cơ thiếu nước thế giới (Aqueduct Water Risk Atlas), tình hình thiếu nước sạch đang diễn biến phức tạp chủ yếu tại các vùng khô cằn Trung Đông và Bắc Phi, trong đó đáng chú ý là Qatar, Israel và Liban. Ấn Độ xếp thứ 13 trong số các quốc gia phải đối mặt với nguy cơ cạn kiệt nguồn nước. Nhưng với dân số hơn 1,3 tỉ người – cao gấp 3 lần tổng số dân ở 16 quốc gia khác trong danh sách, tình hình thiếu nước tại đây trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) cho biết, hiện tại cứ 3 người châu Phi thì có 1 người không được tiếp cận với nguồn nước và điều kiện vệ sinh phù hợp. Tuy nhiên, với mức cầu hiện nay, chỉ trong một hai thập kỷ tới, số người không có nước sạch và điều kiện vệ sinh hợp lý ở châu lục đen sẽ là 1/2 người.

Trong khi đó, với nhu cầu về nước ngày càng gia tăng theo đà tăng trưởng dân số, lượng nước ngầm đang bị khai thác đang vượt xa khả năng phục hồi.

Chưa hết, với khoảng 2 tỉ tấn rác con người thải vào nguồn nước mỗi ngày, con người còn phải đối mặt với thách thức ô nhiễm nguồn nước ở khắp nơi trên thế giới. Mặc dù sự cải thiện về chất lượng nguồn nước có thể thấy ở vài khu vực, ô nhiễm nước vẫn đang gia tăng trên toàn cầu.

Ngăn chặn cuộc khủng hoảng

Phát biểu tại cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về nước và phát triển bền vững diễn ra mới đây, Chủ tịch Đại hội đồng Volkan Bozkir nhắc lại rằng “nước là một phần không thể thiếu của phát triển bền vững, nhưng chúng ta đang đi sau các mục tiêu đã đặt ra”.

Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nhiều hơn về tài chính và nâng cao năng lực cho các hoạt động liên quan đến nước và vệ sinh, đặc biệt là thông qua hỗ trợ phục hồi sau đại dịch Covid-19, trong đó cần ưu tiên các nước nghèo nhất. Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về nước cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác chặt chẽ với các nhóm xã hội và với những người trẻ tuổi để tăng cường các mục tiêu và hoạt động liên quan đến nước.

Về phần mình, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Amina Mohammed cũng cho rằng “việc huy động sự hỗ trợ để đối mặt với khủng hoảng nước là điều cần thiết để thực hiện toàn bộ Chương trình Phát triển bền vững đến năm 2030”.

Bà nêu rõ: “Như báo cáo tiến bộ về Nước mới nhất của Liên Hợp Quốc nêu rõ, thế giới đang không đạt được các mục tiêu của Mục tiêu Phát triển Bền vững 6 vào năm 2030” và "để đạt được khả năng tiếp cận phổ cập với nước và vệ sinh, tốc độ tiến bộ hiện tại phải tăng gấp 4 lần".

Bà Mohammed lưu ý rằng các mối đe dọa liên quan đến nhau của biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm sẽ làm gia tăng tình trạng khan hiếm nước. “Đại dịch Covid-19 đã nhắc nhở chúng ta một cách mạnh mẽ rằng nước và vệ sinh là một trong những chìa khóa để chống lại các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, 3 tỉ người, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và các nước kém phát triển nhất, không có các thiết bị rửa tay cơ bản tại nhà” – bà nói.

Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh ba điều bắt buộc. Đầu tiên, bà kêu gọi các quốc gia sử dụng các kế hoạch phục hồi sau Covid-19 để đầu tư vào các mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận nước và vệ sinh. Thứ hai, bà kêu gọi các chính phủ gia tăng tham vọng hành động vì khí hậu. Thứ ba, bà Amina Mohammed nêu rõ cần phải có sự tham gia của nhiều phụ nữ ra quyết định hơn.

Việt Nam chú trọng phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước

Trước những thách thức về an ninh nguồn nước, Việt Nam đã đặc biệt chú trọng đến việc phát triển bền vững nguồn tài nguyên này. Công tác quản lý tài nguyên nước Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việt Nam đã coi bảo vệ và quản lý nguồn nước là một nội dung quan trọng trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Quản lý tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp và toàn diện đã trở thành quan điểm nhất quán của Việt Nam và được thể hiện xuyên suốt trong các văn bản quy phạm pháp luật.

tm-img-alt
Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nước.

Luật Tài nguyên nước năm 2012 - văn bản pháp lý cao nhất về lĩnh vực tài nguyên nước đã thể chế các quy định, biện pháp cụ thể để thực hiện phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên nước trong các hoạt động quy hoạch, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra...

Đồng thời, Việt Nam đã và đang nỗ lực đóng góp hiệu quả trên bình diện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, từ khuôn khổ song phương, tiểu vùng, liên khu vực và toàn cầu. Việt Nam cũng tích cực tham gia các cơ chế hợp tác ASEAN về quản lý nguồn nước, hợp tác APEC về ứng phó với thiên tai, đồng sáng kiến Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) thúc đẩy hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về quản lý nguồn nước giữa các quốc gia ven sông Mê Kông và Danube...

Việt Nam cũng là một trong số những nước đang hứng chịu hậu quả nặng nề của sự biến đổi khí hậu; mức độ ô nhiễm và khan hiếm nguồn nước đang trong tình trạng báo động hơn bao giờ hết.

Khoảng hơn 20% dân cư chưa được tiếp cận nguồn nước sạch (khoảng 17,2 triệu người đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan, chưa được kiểm nghiệm hay qua xử lý); trung bình mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém; có gần 200.000 người mắc bệnh ung thư mới phát hiện, mà một trong những nguyên nhân chính bắt nguồn từ ô nhiễm môi trường nước.

Lượng nước mặt bình quân đầu người mỗi năm chỉ đạt 3.840m3, thấp hơn chỉ tiêu 4.000m3/người/năm của Hội Tài nguyên Nước quốc tế (IWRA); 30% người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của nước sạch; nguồn nước ngầm đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm do bị xâm nhập mặn, ô nhiễm vi sinh, ô nhiễm kim loại nặng nghiêm trọng; hầu hết đô thị lớn đều bị ô nhiễm nước ngầm do tốc độ đô thị hóa...  

Theo Kinh tế Môi Trường