Thanh Nga ·
2 năm trước
 2241

Thị trường đồ gỗ Trung Quốc bị cáo buộc là yếu tố khiến rừng khắp thế giới bị tàn phá nhanh chóng?

Khắp cả thế giới đều nhận ra cơn "khát" gỗ của thị trường Trung Quốc. Các thương lái Trung Quốc đã thu mua gỗ, đặc biệt là gỗ quý hiếm. Các chuyên gia nước ngoài cáo buộc thị trường đồ gỗ Trung Quốc chính là yếu tố quan trọng khiến rừng trên khắp thế giới bị tàn phá nhanh chóng.

Báo cáo của một tổ chức phi chính phủ công bố hôm nay 29/11/2012, chỉ rõ Trung Quốc là nước xuất nhập khẩu và tiêu thụ gỗ lớn nhất thế giới và đồng thời cũng là quốc gia chịu trách nhiệm chính về tình trạng chặt phá rừng nhiệt đới hiện nay.

Ở thập kỷ trước châu Âu và Hoa Kỳ đã cố gắng đưa ra nhiều biện pháp nhằm xóa bỏ tình trạng chặt phá rừng bất hợp pháp, trong khi đó Trung Quốc lại không ngừng gia tăng việc nhập khẩu gỗ có nguồn gốc không rõ ràng.

Trung Quốc chặt phá rừng

Một khu vực tập kết gỗ Trung Quốc ở Nga

Theo AFP, những hình ảnh thu thập được của Tổ chức Oceanium tại khu vực biên giới Senegal - Gambia cho thấy dân khai thác gỗ lậu người địa phương đang giao dịch với các tay trung gian người Trung Quốc.

Do địa hình rừng rộng lớn cộng với sự kiểm soát lỏng lẻo tại khu vực này, gỗ bị đốn thoải mái ở Senegal rồi được chở sang Gambia để xuất đi Trung Quốc. Món hàng được thương lái Trung Quốc săn lùng và trả giá cao chính là gỗ tử đàn, hay còn gọi là gỗ sưa đỏ. 

Các nhà nhập khẩu Trung Quốc tập trung chủ yếu vào các loại gỗ quý hiếm để chế biến thành các sản phẩm đồ gỗ đắt tiền. Năm 2011, Trung Quốc chiếm 30% thị trường sản phẩm gỗ trên thế giới.

"Senegal đã mất hơn 3 triệu cây xanh từ năm 2010 trong khi các tay gỗ lậu người Gambia bỏ túi 238 triệu USD nhờ bán gỗ cho Trung Quốc phục vụ nhu cầu chế tác đồ nội thất bùng nổ trong những năm gần đây" - cựu bộ trưởng El Ali dẫn số liệu.

Theo Tổ chức Forest Watch, vùng Casamance của Senegal chỉ còn lại 30.000ha rừng, trong khi 10.000ha đã "ra đi".

Nhưng Senegal chỉ là một phần của bức tranh lớn. Theo Africa News, Tổ chức Hòa bình xanh cáo buộc Trung Quốc là "nhân tố chính" đằng sau các hoạt động phá rừng bất hợp pháp ở lưu vực sông Congo - vùng rừng rậm lớn thứ hai thế giới, trải dài từ Angola, Burundi, Cameroon, CH Trung Phi, Congo, Gabon, CHDC Congo và Rwanda.

Thống kê ghi nhận con số 3 triệu m3 gỗ đã rời khu vực này để đến các thành phố ở Trung Quốc mỗi năm, trong đó một khối lượng đáng kể là gỗ lậu.

Theo tổ chức phi chính phủ đóng trụ sở tại Luân Đôn này từ năm 2000, do nhu cầu tiêu thụ nội địa ngày càng lớn, đến nay lượng gỗ nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần.

Tổ chức EIA cũng thống kế được là một nửa lượng gỗ cung cấp cho Trung Quốc có nguồn gốc từ những nước vốn nổi tiếng về nạn phá rừng như Miến Điện, Papua New Guinée hay Mozambique. Cơ quan bảo vệ môi trường này còn đưa ra hình ảnh, lượng gỗ nhập về Trung Quốc có thể chất đầy kín 6 sân vận động Olympic ở Bắc Kinh. Cùng lúc xuất khẩu sản phẩm lâm nghiệp của Trung Quốc đã tăng gấp 7 lần trong 10 năm.

Các chuyên gia đều nhất trí với kết luận rằng "tất cả các tiến bộ đạt được nhờ các bộ luật được thông qua ở Liên hiệp châu Âu, Hoa Kỳ hay Úc đều trở nên vô ích nếu Trung Quốc không hành động".

Phát ngôn viên Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi từng nói: "Lập trường của Trung Quốc là rất rõ ràng : Chúng tôi chống lại việc phá rừng bất hợp pháp và buôn bán gỗ bất hợp pháp". Tuy nhiên, tuyên bố này có ăn nhập với kết luận của EIA và thực tế làm ăn của các công ty kinh doanh gỗ Trung Quốc?