Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhấn mạnh phát biểu được phát dưới dạng video ghi sẵn trước Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 21/9 như sau: "Tình trạng khan hiếm vắc-xin do con người gây ra đang tàn phá nước nghèo. Nước giàu tích trữ vắc-xin trong khi nước nghèo chờ đợi nguồn cung nhỏ giọt. Bây giờ, họ còn nói đến chuyện tiêm liều bổ sung giữa lúc các nước đang phát triển cân nhắc phương án tiêm nửa liều để vượt qua giai đoạn khó khăn".
Theo nhà lãnh đạo Philippines, tình trạng bất bình đẳng này gây sốc và phải bị lên án bởi nó là hành động ích kỷ không thể biện minh cả về mặt lý trí lẫn đạo đức.
Khoảng 35% những người đã tiêm ít nhất một liều vắc-xin Covid-19 tới từ các nước có thu nhập cao và ít nhất 28% tới từ châu Âu và Bắc Mỹ.
Thế nhưng nghiên cứu mới đây cho thấy 100 triệu liều vắc-xin Covid-19 được lưu trữ tại các quốc gia giàu có tại Bắc bán cầu sẽ hết hạn sử dụng vào tháng 12. Nhà lãnh đạo Colombia cho biết một số quốc gia có đủ vắc-xin để tiêm 6,7 lần cho dân số của mình và đã công bố tiêm liều bổ sung trong khi nhiều nước đang rất chậm chạp trong việc tiêm mũi 1 cho dân.
Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng ở một số quốc gia, bao gồm Haiti và Congo, lại thấp hơn 1%.
Tỷ lệ tiêm chủng ở một số quốc gia, bao gồm Haiti và Congo, lại thấp hơn 1%
Tổng thống Colombia Ivan Duque khẳng định vắc-xin Covid-19 cần phải được phân phối công bằng để tránh tạo ra các biến thể mới, đáng sợ hơn. "Miễn dịch toàn cầu đòi hỏi sự đoàn kết, vì vậy việc tích trữ không thể tồn tại khi đối mặt với nhu cầu của người khác", ông Duque nói hôm 21/9.
Cùng quan điểm này, trong một bài viết đăng trên tạp chí Nature ngày 24/2, Giáo sư, Tiến sĩ Gavin Yamey, Giám đốc Trung tâm Tác động chính sách trong y tế toàn cầu, Đại học Duke viết: “Nếu thế giới giàu có tiếp tục tích trữ vắc-xin, đại dịch sẽ kéo dài thêm bảy năm nữa”. Theo nghiên cứu, có khoảng 130 quốc gia với tổng dân số 2,5 tỷ người, chưa có một người nào được chủng ngừa Covid-19, ông lưu ý.
Giáo sư Yamey nói: "Có một nguyên lý trong sức khỏe toàn cầu là dịch bệnh bùng phát ở bất cứ đâu cũng có thể dẫn đến bùng phát ở khắp mọi nơi. Và đó là lý do tại sao cộng đồng quốc tế vì lợi ích chung bắt đầu chia sẻ liều lượng vắc-xin để bảo đảm mở rộng nguồn cung cấp vắc-xin toàn cầu".
Để tránh tích trữ vắc-xin, các tổ chức y tế toàn cầu khuyến khích các nước mua vắc-xin thông qua sáng kiến COVAX, một liên minh toàn cầu được thành lập để chia sẻ liều lượng vắc-xin với các nước nghèo hơn. Nhưng trong số gần 190 quốc gia đã tham gia COVAX, có khoảng ba chục quốc gia có thu nhập cao cũng đã đàm phán các thỏa thuận trực tiếp với các nhà sản xuất vắc-xin để bảo đảm liều lượng vắc-xin cho công dân của họ.
Thông qua các hợp đồng này, một số quốc gia chỉ chiếm 16% dân số thế giới đã sử dụng hơn một nửa số vắc-xin Covid-19 hiện có. Mặc dù COVAX dự kiến sẽ mua khoảng 2 tỷ liều vào cuối năm 2021, nhưng con số đó chỉ đủ để tiêm chủng cho khoảng 20% người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
"Điều tôi thấy băn khoăn là tôi có khả năng được tiêm phòng trước cả nhân viên y tế hoặc người có nguy cơ cao ở một quốc gia thu nhập thấp hoặc trung bình. Và điều đó không đúng, điều đó không công bằng", Giáo sư Yamey nói.
Hôm 22/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết mua thêm 500 triệu liều vắc-xin Covid-19 để quyên góp cho các quốc gia khác trên thế giới. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ tiếp tục hứng chịu áp lực ngày càng tăng trong việc chia sẻ nguồn cung với phần còn lại thế giới.
Tổ chức phi lợi nhuận ONE Campaign cho biết khoản quyên góp của Mỹ là không đủ và các quốc gia giàu có khác cần phải khẩn trương tăng cường hỗ trợ cho nỗ lực tiêm chủng toàn cầu. Nếu không, kịch bản nhãn tiền sẽ là hơn 2,3 tỷ dân trên thế giới chưa được tiêm chủng tới tháng 9/2022.
Giáo sư Yamey nói: "Chúng ta cần phải dừng việc chỉ nghĩ đến quốc gia của mình. Chúng ta cần bắt đầu nghĩ về bản thân mình như một cộng đồng toàn cầu được kết nối với nhau. Là các quốc gia, chúng ta giống như những con tàu trên đại dương, và chúng ta sẽ cùng nhau thăng trầm".