Bảo vệ báo đốm, biểu tượng cho điềm lành
Nạn phá rừng đã không thương tiếc phá hủy cánh rừng mưa, phần quan trọng trong cuộc chiến chống lại biến đổ khí hậu, và đồng thời đe dọa các hệ sinh thái phức tạp mà trong đó, loài báo đốm là kẻ săn mồi đứng đầu chuỗi thức ăn.
Một thảm họa về bảo tồn đang dần thành hình dọc khắp Trung và Nam Mỹ, ngôi nhà của khoảng 40% các loài động thực vật trên toàn thế giới. Nạn buôn lậu thú hoang đang là mối nguy dần nổi lên trên một lục địa mà trong lịch sử vốn đã thiếu đi việc bảo tồn quy mô lớn như ở châu Phi hay châu Á. Loài báo đốm đã mấp mé bên bờ vực tuyệt chủng vào giữa thế kỉ 20, sau khi bị săn bắt dồn dập để khai thác bộ da, mãi cho đến năm 1975 khi việc giao thương quốc tế loài này hoàn toàn bị cấm.
Những mối đe dọa tuyệt chủng lại một lần nữa nổi lên. Môi trường sống của loài báo đang trực tiếp bị nguy hiểm bởi nạn phá rừng diễn biến ngày càng tăng và những đám cháy rừng gây ra bởi những kẻ khai hoang trái phép, tất cả để phục vụ khai thác gỗ, làm nông trường hoặc khai khoáng.
Nhiều bộ tộc ở Amazon coi báo đốm là biểu tượng cho điềm lành, cần được coi trọng và bảo vệ. (Ảnh minh họa)
Bà Karina Berg, quản lí bảo tồn khu vực Mỹ Latinh của WWF Vương quốc Anh, cho biết: “Việc mua bán bộ phận của loài báo đốm mới chỉ đang nổi lên, nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy nạn săn trộm đang dần tăng, cụ thể là ở khu vực Amazon. Bằng cách tàn phá rừng để phục vụ làm đường, khai thác gỗ lậu, chiếm đất, khai khoáng, con người lấn sâu hơn vào môi trường sống của loài báo đốm, làm chúng dễ bị săn bắn hơn cũng như khiến chúng xung đột với những cộng đồng cư dân.
Bảo vệ cánh rừng là chìa khóa để bảo đảm tương lai cho loài báo đốm, bằng cách kết nối môi trường sống của báo đốm và tạo hành lang rừng giúp chúng có không gian cần thiết để phát triển”.
Những cộng đồng thổ dân bản địa đang tăng dần chuyển dịch sang sử dụng công nghệ hiện đại để bảo vệ những cánh rừng - mái nhà của họ. Những chiếc drone (máy bay không người lái) đã được chứng mình là giải pháp hữu ích cho việc giám sát địa hình rộng và hiểm trở. Chúng đã và đang được triển khai bởi những người bản xứ ở Brazil, Ecuador và Peru, khi mà khoảng cách bay ngày càng được cải thiện và giá cả thì cũng dần dễ chịu hơn.
Thổ dân Amazon quyết tâm bảo vệ rừng và các sinh vật là biểu tượng của bộ tộc. (Ảnh minh họa)
Khi thổ dân sử dụng thiết bị công nghệ cao
Bộ lạc Uru-eu-wau-wau lần đầu tiếp xúc với thế giới bên ngoài cách đây 3 thập kỉ, và từ đó, họ dần du nhập những phần khác nhau của công nghệ hiện đại vào cuộc sống.
Một trong số 9 ngôi làng của bộ lạc này có kết nối Wi-Fi dù tương đối chập chờn, trong khi bốn làng đã có điện lưới. Và mới nhất, họ đã nhận được những chiếc drone từ những người hỗ trợ WWF Vương quốc Anh, trong khi WWF Brazil và tổ chức phi lợi nhuận Kaninde hỗ trợ huấn luyện một số thanh niên của bộ lạc cách điều khiển chúng. Tổ chức Kaninde cũng lắp đặt hệ thống giám sát công nghệ cao cho bộ lạc, bao gồm một số laptop, máy ảnh HD, máy quay chống nước, bộ đàm và thiết bị GPS.
Anh Bitate chia sẻ: “Sự xuất hiện của công nghệ, ví dụ như những chiếc drone, đã giúp chúng tôi giám sát một khu vực rừng mà chúng tôi không hề biết đã bị tàn phá. Công nghệ cũng đã giúp chúng tôi phát hiện những khu vực bị phá hoại, để rồi chúng tôi sẽ kiểm tra thực địa. Nó cũng giúp chúng tôi có định lượng về sự xâm phạm và phá hủy đang diễn ra ở lãnh thổ bản xứ của mình”.
Những chiếc drone đã sớm chứng minh giá trị. Hồi tháng Một, những người điều khiển drone của bộ lạc Uru-eu-wau-wau đã phát hiện khoảng 200 hecta rừng trong khu vực của mình bị chặt phá.
Một thổ dân Amazon đang tìm hiểu về thiết bị công nghệ cao, có thể giúp họ bảo vệ rừng. (Ảnh minh họa)
Với anh Bitate, số phận của những người dân bản địa gắn bó đan xen, không thể tách rời khỏi sự sinh tồn của cánh rừng mưa và loài báo đốm. Anh nói: “Chúng tôi không thể sống mà không có chúng, cũng như chúng không thể sống nếu thiếu chúng tôi. Báo đốm là loài mèo chính trong khu vực này và là biểu tượng cho điềm lành. Ở đâu có một con báo đốm, ở đó sẽ có dồi dào thức ăn. Có nhiều thức ăn cho chúng tôi và cho chúng”.
Những trang bị này cho phép các bộ lạc có thể phát hiện và báo cáo việc chiếm đất trái phép, mà không gặp phải nguy hiểm khi chạm trán với các băng nhóm vũ trang. Giới chức Brazil được cho là đã không thực hiện các biện pháp bảo vệ cần thiết cũng như không ngăn cản việc khai thác gỗ cũng như khai khoáng tại những khu vực như thế này.
Tổng cộng đã có 15 khu vực tại 7 bang được cung cấp những chiếc drone cùng với trang bị cứu hỏa, cũng như được huấn luyện sử dụng các trang thiết bị này. Những hình ảnh ghi lại từ drone còn có thể được sử dụng tại tòa làm bằng chứng chống lại các hành vi phạm pháp, và với mức độ phủ sóng internet dần tăng ở những vùng hẻo lánh, cơ quan chức năng sẽ được cảnh báo về những hành vi này nhanh chóng hơn.