Chiều 15/9, tại Hà Nội, Hội nghị toàn quốc của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng do VUSTA tổ chức chính thức khai mạc. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự, chủ trì và có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo Hội nghị.
Tạp chí Kinh tế Môi trường xin trân trọng giới thiệu Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị.
Thưa các đồng chí Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương!
Thưa các đồng chí, các nhà khoa học, các vị đại biểu, khách quý!
Hôm nay, tôi rất vui mừng đến dự Hội nghị toàn quốc của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trước hết, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, tôi xin gửi tới Lãnh đạo Liên hiệp Hội, các đại biểu dự Hội nghị và đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam cả nước lời chào trân trọng và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thưa các đồng chí, các nhà khoa học!
Hội nghị của chúng ta hôm nay diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt. Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội, yêu cầu khách quan đặt ra mỗi quốc gia phải có hành động để quản lý sự thay đổi, trong đó có ứng dụng KH&CN hiện đại trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0. Thế giới của ngày hôm nay sẽ không phải là thế giới của ngày hôm qua do sự phát triển như vũ bão của KH&CN.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: KTMT)
Những gì chúng ta chứng kiến ngày hôm nay, nếu quay trở lại mấy chục năm trước, có lẽ chúng ta chỉ tưởng tượng trong phim khoa học viễn tưởng như sự kết nối qua không gian mạng hay phát minh trí tuệ nhân tạo, người máy... Khoa học trên thế giới đã thay đổi mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Sự phát triển, ứng dụng của KH&CN được coi là sức mạnh mềm, biên giới mềm, thậm chí là Chiến lược cạnh tranh quốc gia. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn toàn cầu và đòi hỏi sự thay đổi tư duy nhìn về thế giới, nhìn ra thế giới, tư duy quản trị đất nước nếu chúng ta không muốn là “một cỗ xe ngựa” sau khi phát minh ra xe ô tô, chúng ta sẽ ở lại phía sau.
Tại sao tôi lại nói như vậy? Bởi chúng ta cần thay đổi tư duy gắn với bối cảnh thế giới hiện nay. Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến sự phát triển KH&CN và đội ngũ trí thức trong lĩnh vực này.
Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển KH&CN trong mọi mặt của đời sống nước ta. Nhưng nhìn ra thế giới, đánh giá thực trạng trong nước và nghe tâm tư, nguyện vọng của các đồng chí, chúng ta còn rất nhiều việc phải tư duy, suy nghĩ, phải làm, nhiều rào cản cần tháo gỡ, nhiều chính sách cần có sự thay đổi, nhiều lĩnh vực cần tư duy đột phá, nhiều trí thức muốn có hệ sinh thái KH&CN rộng lớn hơn để phát triển ý tưởng, phương pháp, cách làm và sản xuất ra sản phẩm có giá trị có hàm lượng KH&CN cao hơn, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước, nhiều tài năng cần chính sách để phát hiện, thu hút và cống hiến v.v. Hội nghị chúng ta hôm nay cũng là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại, đánh giá và giải quyết vấn đề.
Chúng ta đã tập trung vào những nội dung chính để giải quyết mong muốn và khát vọng đóng góp của các nhà khoa học cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các nhà khoa học cũng muốn biết thế Chính phủ muốn gì từ các nhà khoa học để mỗi chúng ta sẽ cùng đóng góp xây dựng đất nước ngày càng phát triển. Tôi biết nhiều nhà khoa học có mặt hôm nay thật sự đại diện cho trí tuệ xuất sắc và tinh thần nhiệt huyết cống hiến cho KH&CN của đất nước. Nhiều nhà khoa học cuộc sống còn đối mặt với khó khăn, vất vả nhưng hết lòng, hết sức cống hiến cho khoa học, cho đất nước. Điều đó thật đáng trân trọng và tôn vinh.
Thưa các nhà khoa học và các đồng chí!
Xuyên suốt chiều dài lịch sử, cha ông ta luôn quý trọng hiền tài, coi hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu. Ngay từ khi mới thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã nói: “Nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài". Nghị quyết số 27/NQ-TW của Trung ương (khóa X) khẳng định: “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tâm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Đảng ta xác định quan điểm phát triển đất nước phải bằng và dựa vào KH&CN: “Phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Chúng ta khẳng định, đội ngũ trí thức Việt Nam nói chung và trí thức KH&CN nói riêng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đội ngũ trí thức KH&CN thường xuyên tham mưu, tư vấn về việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, tích cực thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ KH&CN vào đời sống; Tạo dựng hệ sinh thái KH&CN; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp; Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài; Tuyên truyền phổ biến kiến thức, nâng cao dân trí v.v.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan một số gian trưng bày của các đơn vị thuộc VUSTA. (Ảnh: KTMT)
Từ khi thành lập năm 1983 đến nay, Đảng ta luôn xác định Liên hiệp Hội Việt Nam là “Tổ chức quần chúng xã hội tự nguyện của tất cả các Hội KH&KT của người Việt Nam ở trong và ngoài nước”. Chính phủ có nhiều văn bản quy định về hoạt động của Liên hiệp Hội, trong đó đặc biệt quan trọng là Quyết định số 1795 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 21/10/2015, phê chuẩn Điều lệ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp Hội đã phát huy tốt vai trò là hạt nhân tập hợp, đoàn kết, phát huy sức sáng tạo.
Liên hiệp Hội đã có nhiều tư vấn đối với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các dự án đầu tư trọng điểm trong nước, thu hút đông đảo đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia công cuộc phát triển đất nước; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, mở rộng quan hệ hữu nghị giữa đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam với trí thức các nước trên thế giới, góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín của Việt Nam.
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Liên hiệp Hội đã tích cực tư vấn cho Chính phủ các giải pháp phòng chống dịch và kêu gọi các thành viên, các tổ chức quyên góp được nhiều tỉ đồng ủng hộ.
Liên hiệp Hội và các tổ chức thành viên ngày càng chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai sâu rộng và nâng cao chất lượng hoạt động. Liên hiệp Hội có nhiều cố gắng, nỗ lực đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tập hợp trí thức, tham mưu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội; Tham gia xây dựng pháp luật, góp ý đối với các dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Liên hiệp Hội là một trong những cái nôi ươm mầm KH&CN hiệu quả, môi trường thuận lợi để tập hợp đội ngũ trí thức KH&CN trong và ngoài nước, phát huy tinh thần yêu nước, trách nhiệm công dân của đội ngũ trí thức, là nơi để các trí thức KH&CN thể hiện trí tuệ, sức sáng tạo và có những đóng góp tích cực cho đất nước. Đảng, Nhà nước luôn đánh giá cao sự nỗ lực và những kết quả của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam, trong đó có các thành viên của Liên hiệp Hội. KH&CN từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiềm lực KH&CN của đất nước được tăng cường.
Khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ đã đóng góp tích cực hơn trong nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Hiệu quả hoạt động KH&CN nghệ được nâng lên, tạo chuyển biến tích cực cho hoạt động đổi mới và khởi nghiệp sáng tạo”.
Với những thành tựu đạt được, Liên hiệp Hội đã được vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh; 5 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, Huân chương Hữu nghị và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác. Đây thật sự là niềm tự hào của các nhà khoa học và sự đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương những đóng góp, cống hiến to lớn của đội ngũ trí thức KH & CN, của nhiều thế hệ các nhà khoa học nước nhà, của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, KH&CN nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Khi đánh giá về vấn đề này chúng ta cần gắn với bối cảnh, xu hướng, định hướng phát triển khoa học trên thế giới và gắn với mục tiêu phát triển KH&CN qua các thời kỳ, nhất là trong giai đoạn hiện nay, với mục tiêu chuyển đổi số, xây dựng xã hội số, nền kinh tế số của nước ta. Đội ngũ trí thức KH&CN chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình, chưa đáp ứng được những mong muốn và sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Số cán bộ KH&CN tuy gia tăng về số lượng nhưng thiếu các chuyên gia giỏi đầu ngành trong nhiều lĩnh vực tiên phong.
Các cơ chế, chính sách đột phá để thúc đẩy KH&CN phát triển còn những hạn chế và chưa đồng bộ. Việc ứng dụng KH&CN và kết nối với các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp còn ở mức độ khiêm tốn. Các sản phẩm có hàm lượng chất xám, hàm lượng KH&CN phục vụ cho sản xuất 5 năm qua và đời sống của người dân chưa nhiều. Chưa tạo được phong trào đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, KH&CN chưa thực sự gắn chặt với thị trường. Các công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc tế, có đóng góp đột phá đối với phát triển kinh tế - xã hội còn ít.
Trong 10 số lượng công bố của Việt Nam trên các Tạp chí quốc tế uy tín đã có sự tăng trưởng mạnh, nhưng chỉ tập trung một số tổ chức KH&CN cũng như một số lĩnh vực nhất định; Năng suất và chất lượng công bố quốc tế chung của chúng ta vẫn còn thấp. Không ít công trình, đề tài, dự án các nhà khoa học phải mất nhiều thời gian để hoàn thiện chứng từ, thủ tục thanh, quyết toán, thậm chí phải dùng biện pháp hành chính, kỹ thuật để có được số liệu hợp lý chi cho công tác nghiên cứu theo quy định.
Hệ thống tổ chức, bộ máy của Liên hiệp Hội còn một số bất cập; Nội dung, phương thức hoạt động chưa có nhiều đổi mới, chưa tạo được môi trường thuận lợi để khuyến khích, truyền cảm hứng cho đội ngũ trí thức tích cực đổi mới, sáng tạo và có nhiều đóng góp vào những vấn đề lớn của đất nước. Liên hiệp Hội chưa thật sự chủ động trong việc đề xuất các cơ chế, chính sách thúc đẩy KH&CN nước nhà phát triển, đặc biệt phát triển bám sát vào thực tiễn của đất nước trong giai đoạn hiện nay về kinh tế số, xã hội số.
Thưa các nhà khoa học, các đại biểu và các đồng chí!
Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang ra sức phấn đấu, đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỉ niệm 100 năm thành lập Nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đây là là khát vọng phát triển của toàn dân tộc. Mục tiêu Đại hội XIII của Đảng xác định 6 trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và 12 nhiệm vụ chủ yếu, đòi hỏi chúng ta phải có nhận thức mới, tư duy khoa học mới gắn với những giải pháp thiết thực, hiệu quả để đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn đời sống, để KH&CN trở thành động lực phát triển, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Nghị quyết Đại hội cũng xác định, con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển; Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phải gắn kết hài hòa, hiệu quả với phát triển KH&CN và đội ngũ trí thức tâm huyết, đam mê, yêu khoa học, yêu đất nước và con người Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức hơn là thuận lợi, với vai trò là tổ chức đại diện cho trí thức KH&CN, Liên hiệp Hội và các tổ chức thành viên cần làm tốt hơn nữa vai trò nòng cốt chính trị, động viên các hội viên triển khai hiệu quả 7 nội dung hoạt động được xác định trong Điều lệ theo Quyết định 1795/QĐ-TTg ngày 21/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Dự Hội nghị với các đồng chí, qua nghiên cứu tài liệu và xem phóng sự, nghe báo cáo của Lãnh đạo Liên hiệp Hội và các ý kiến tham luận sâu sắc, tâm huyết, nhiệt thành của các đại biểu, tôi cơ bản nhất trí và trao đổi thêm một số vấn đề, mong các nhà khoa học, các đồng chí quan tâm nghiên cứu, tham khảo đi đến thống nhất trong nhận thức và hành động.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đang xem ấn phẩm Tạp chí in của Tạp chí Kinh tế Môi trường. (Ảnh: KTMT)
Trước hết, tôi nói về chủ trương, định hướng của Chính phủ về việc này: Chính phủ sẽ xây dựng chương trình hành động phát triển về khoa học công nghệ, trong đó gắn với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đất nước, gắn với chuyển đổi số, nền kinh tế số, xã hội số để mang lại giá trị, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Chính phủ đang và tiếp tục xây dựng hành lang pháp lý để tạo điều kiện phát triển khoa học, công nghệ, đặc biệt là các lĩnh vực tác động trực tiếp đến cuộc sống Nhân dân như lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, viễn thông, công nghệ tài chính, dịch vụ... để Nhân dân được hưởng thành tựu khoa học, công nghệ tương đương với các nước trong khu vực và trên thế giới. Có các cơ chế, chính sách phù hợp cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, nhất là chính sách tài chính để xử lý những bất cập, giảm tối đa các gánh nặng hành chính cho các nhà khoa học, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, đặt niềm tin và chấp nhận rủi ro, độ trễ trong khoa học, dỡ bỏ các rào cản duy ý chí và hành chính hóa hoạt động KH&CN để tạo không gian rộng hơn, cởi mở hơn cho hoạt động đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp khoa học của nước nhà.
Chính phủ sẽ nghiên cứu, xây dựng chính sách, huy động nguồn lực, môi trường làm việc để thu hút nhân tài trong và ngoài nước, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ để góp phần xây dựng đất nước, đạt được mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Tôi cũng mong nhận được những đóng góp của các đồng chí để chúng ta có thể tạo bước đột phá cho đất nước trong việc xây dựng, triển khai chính sách trong lĩnh vực này, để thúc đẩy phát triển thực chất và hiệu quả khoa học công nghệ trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.
Tôi thật sự suy nghĩ rất nhiều về tình trạng “chảy máu chất xám” hoặc không khai thác hết chất xám của đất nước chúng ta. Truyền thống và trí tuệ của Việt Nam thật sự là tài nguyên quý giá của đất nước. Nhưng một câu hỏi rất lớn đặt ra là chúng ta đã khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên trí tuệ đó như thế nào? Đã hợp lý chưa? Có lãng phí không? Có cầu toàn, nóng vội không?
Tất cả những người có trách nhiệm đều đau đáu về những câu hỏi đó. Hôm nay tôi cũng mong các đồng chí vì trách nhiệm với đất nước, Liên hiệp sẽ nghiên cứu cụ thể nguyên nhân, tồn tại, gợi ý giải pháp thiết thực cho Chính phủ để giải quyết từng bước tình trạng này. Tôi cũng muốn đặt hàng các đồng chí về đề tài này để là nguồn tài liệu quý giá Chính phủ nghiên cứu và hoàn thiện chính sách. Đồng thời, tất cả các chủ trương, định hướng phát triển khoa học công nghệ đã được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XIII và mong các đồng chí quán triệt đến từng hội viên để chúng ta thống nhất tư tưởng và hành động, chung sức, đồng lòng cùng nhau hiện thực hóa có hiệu quả.
Để tạo sức mạnh của Liên hiệp Hội, các đồng chí cần xây dựng và tập hợp đội ngũ trí thức KH&CN trong nước và quốc tế để thực hiện phương châm “Đoàn kết là sức mạnh”.
Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng phát biểu bế mạc Hội nghị. (Ảnh: KTMT)
Liên hiệp Hội phải coi trọng và tăng cường vai trò của đội ngũ trí thức trong khối đại đoàn kết trên nền tảng liên minh công nhân - nông dân - tri thức; Tiếp tục tham mưu cho Đảng và Nhà nước về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Corid 19 diễn biến rất phức tạp, có thể còn kéo dài với biển chủng mới thì đội ngũ trí thức cần tích cực nghiên cứu, phát triển các biện pháp, các sản phẩm KHCN phòng, chống dịch cũng như phát huy hơn nữa vai trò và uy tín của mình trong hỗ trợ công tác thông tin, truyền thông để phổ biến rộng rãi, giải thích rõ ràng với Nhân dân về khía cạnh, góc nhìn khoa học của những biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ.
Làm sao để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm có hiệu quả cùng với hệ thống chính trị của chúng ta. Liên hiệp Hội cần có giải pháp để thúc đẩy và nâng cao chất lượng các công bố khoa học quốc tế của Việt Nam, đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Huy động các nguồn lực xã hội hợp pháp cho phát triển KH&CN.
Tăng cường hợp tác công - tư, đồng tài trợ giữa Nhà nước và doanh nghiệp cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới, sáng tạo. Đảm bảo công khai, minh bạch, độc lập phản biện trong tuyển chọn và xét chọn nhiệm vụ KH & CN. Đẩy mạnh việc đánh giá độc lập và giám sát kết quả; Tăng cường dân chủ, cầu thị, khiêm tốn, chú ý lắng nghe ý kiến của nhau, nhất là những ý kiến phát biểu phản biện, trái chiều để có sự lựa chọn, cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học, thực tiễn, khả thi và có hiệu quả nhất.
Càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm càng phải giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể để xem xét, quyết định, nhất là những vấn đề mới, có tính đột phá. Mở rộng hợp tác quốc tế và kết nối, thu hút hiệu quả lực lượng khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài, có chế độ trọng dụng, đãi ngộ phù hợp.
Về 8 nội dung trong các kiến nghị của Liên hiệp Hội, tôi cơ bản đồng ý. Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình sớm nghiên cứu, thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ đối với Liên hiệp Hội để triển khai thực hiện.
Thưa các đồng chí, các nhà khoa học!
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam năm 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong Nhân dân lao động, để Nhân dân đẩy mạnh thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Có như vậy nước mới giàu, dân mới mạnh và đời sống Nhân dân mới được cải thiện về mọi mặt. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các cô chú”.
Lời căn dặn của Bác có lẽ vẫn còn nguyên giá trị với mỗi chúng ta hôm nay. Đảng và Chính phủ luôn đặt niềm tin vào trí tuệ, niềm tin vào khát vọng cống hiến của các đồng chí. Niềm tin ấy sẽ là động lực để mỗi chúng ta để góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, phát triển và thịnh vượng. Chúc các đồng chí, các nhà khoa học, các đại biểu, khách quý dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Xin trân trọng cảm ơn!
Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam
Phạm Minh Chính