Ngọc Lan ·
1 năm trước
 3685

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sớm hoàn thiện phương án giảm 2% thuế VAT

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính sớm hoàn thiện hồ sơ, phương án giảm 2% thuế VAT, giảm tiền thuê đất… để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 5 ngân hàng thương mại Nhà nước về các giải pháp giảm lãi suất cho vay, tình hình hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các giải pháp trong thời gian tới; kết quả thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp và các giải pháp trong thời gian tới.

Thủ tướng cho rằng các ngân hàng thương mại Nhà nước chiếm tỉ lệ lớn trong tổng lượng tín dụng của nền kinh tế. Do đó, các ngân hàng này cần tham gia dẫn dắt, điều tiết thị trường, tạo động lực, truyền cảm hứng cho hệ thống ngân hàng, hỗ trợ nền kinh tế phát triển; tiếp tục nỗ lực giảm chi phí đầu vào bằng các biện pháp như đổi mới công nghệ, quản trị, tăng cường chuyển đổi số…; giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay; có chính sách hỗ trợ lãi suất đối với từng đối tượng cụ thể, hướng tín dụng vào đúng vào các địa chỉ, lĩnh vực cần thiết.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ làm việc với các bộ, ngành về lãi suất, trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Bộ Tài chính sớm hoàn thiện hồ sơ, phương án giảm 2% thuế VAT, giảm tiền thuê đất… để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; khẩn trương hoàn thiện việc đánh giá tác động và đề xuất phương án với việc OECD áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;

Sớm rà soát điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng để có đề xuất điều chỉnh phù hợp; kịp thời phối hợp với Ngân hàng Nhà nước có phương án tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ kiên định, nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế để tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có hoạt động nghiệp vụ của các ngân hàng.

Trước đó, Bộ Tài chính đã đề xuất với Chính phủ tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2023 nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi và phát triển trở lại để đóng góp cho ngân sách.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế VAT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế VAT 10%. Thời gian áp dụng là từ khi chính sách được thông qua đến hết năm 2023.

Bộ Tài chính cho biết, dự kiến chính sách giảm thuế VAT sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 5.800 tỷ đồng/tháng, nên nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì tương đương mức giảm khoảng 35.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đảm bảo đủ nguồn lực cho các chính sách hỗ trợ tài khóa luôn là mục tiêu quan trọng của Bộ Tài chính, như khẳng định của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc từ đầu năm nay: "Chúng tôi sẽ tập trung nỗ lực quyết liệt để thực hiện thành công dự toán ngân sách, tiết kiệm trong chi ngân sách, tăng giải ngân đầu tư công và tiết kiệm trong quá trình sử dụng tài sản công, cũng như tăng cường công tác quản lý thuế, chống thất thoát về thuế để đảm bảo cho chính sách tài khóa được thực hiện một cách hợp lý và bền vững, minh bạch".

- Tại công văn 2614, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ động thực hiện việc xây dựng văn bản quy định về giảm các khoản thu phí, lệ phí theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm cả việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với Thông tư của Bộ Tài chính.

- Nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phục hồi và phát triển kinh tế, năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Kết quả thực hiện đã cho thấy tổng gói hỗ trợ giảm thuế GTGT năm 2022 đạt khoảng 44.000 tỷ đồng và việc giảm thuế GTGT đã kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện đã gặp khó khăn cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế khi xác định hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng được giảm thuế. Quy định loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 tăng chi phí tuân thủ cho người nộp thuế và chi phí hành thu của cơ quan thuế (nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khi xác định đối tượng không được giảm thuế cần có sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành liên quan).