Minh Sơn ·
1 năm trước
 2949

Thúc đẩy chính sách “xanh hóa” cho doanh nghiệp dệt may

“Xanh hóa” đang là xu hướng, hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại, đầu tư, do đó cần hoàn chỉnh cơ chế chính sách cho ngành dệt may để đảm bảo phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế.

Đó là đề xuất của ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) tới Diễn đàn Doanh nghiệp. Theo đó, đại diện Vitas cho biết sự chuyển đổi tích cực của doanh nghiệp đang hình thành chuỗi cung ứng thời trang xanh, phù hợp với xu thế. Tuy nhiên, việc phát triển chuỗi cung ứng này vẫn còn khó khăn khi phần lớn doanh nghiệp trong ngành mới dừng lại ở đầu tư máy móc hiện đại, sử năng lượng mặt trời trong nhà máy… Trong khi đó, việc nghiên cứu, phát triển nguyên liệu xanh còn chưa nhiều, đặc biệt cần xây dựng chính sách thu hút và khuyến khích đầu tư các dự án xơ sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất để đảm bảo môi trường.

Nhà nhập khẩu yêu cầu đơn vị sản xuất hàng dệt may phải tiết kiệm nguồn nước, không chấp nhận việc sử dụng than làm khí đốt vì ảnh hưởng môi trường.

Cũng theo các doanh nghiệp may xuất khẩu, doanh nghiệp trong nước đa phần là gia công lớn, nguyên phụ liệu chiếm khoảng 65% từ nguồn nhập khẩu. Đây là rào cản lớn nhất cho phát triển ngành công nghiệp dệt may hiện nay. Do đó cần xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao trong ngành dệt may. Ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới giảm tiêu hao năng lượng, nước xả thải nhằm giúp doanh nghiệp bù đắp chi phí đầu tư ban đầu, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Theo đại diện VITAS, Trung Quốc mở cửa, thị trường sợi đã có tín hiệu tốt, các doanh nghiệp đã có đơn hàng. Đối với doanh nghiệp sợi, Hiệp hội khuyến khích doanh nghiệp sản xuất các dòng sợi cao cấp, dòng sợi bền vững, sợi dùng trong nước để thích ứng được với yêu cầu xuất xứ từ sợi trong hiệp định CPTPP. VITAS sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực vải, nguyên phụ liệu để chúng ta chủ động được nguồn nguyên liệu, tận dụng được ưu đãi các Hiệp định thương mại. Đối với doanh nghiệp may, cần linh hoạt cơ cấu chuyển đổi mặt hàng để đảm bảo đơn hàng đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện nay, “xanh hóa” đang là xu hướng và hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư.

Nhiều thị trường lớn đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là thị trường EU. Do đó doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch, phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp để thích ứng với điều kiện phát triển mới.
Theo đó, đại diện VITAS chia sẻ, cần tập trung vào các giải pháp phát triển xanh; tăng cường đầu tư công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước; giảm sử dụng hóa chất, giảm phát thải thích ứng với các tiêu chuẩn của nhãn hàng. Cân nhắc đầu tư cho nguồn lực, chủ động tiếp cận thị trường, đàm phán, làm việc trực tiếp với nhãn hàng, bỏ qua công ty trung gian của nước ngoài. Đặc biệt chú trọng tới nguồn nhân lực thiết kế cho ngành công nghiệp thời trang để từng bước tiến tới làm hàng ODM và OBM. Bên cạnh đó, thúc đẩy các giải pháp về minh bạch, dòng tiền tài chính để chúng ta chứng minh được vị thế, uy tín đối với nhãn hàng.

Tuy nhiên, 2 năm vừa qua, những chính sách ưu tiên phòng, chống đại dịch Covid-19 đã làm chững lại tốc độ cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Nên đại diện VITAS đề xuất để thực hiện nhanh tiến trình, đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương cần đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ. Riêng đối với ngành dệt may, để phát triển bền vững, đáp ứng những yêu cầu các thị trường đặt ra cũng như tận dụng được ưu đãi về thuế từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết với các nước, các cơ quan có liên quan cần theo sát mục tiêu trong Quyết định 1643/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035.

“Trong đó, đơn giản hoá thủ tục hành chính trong các hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh để cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Đặc biệt là thủ tục về đất đai, đầu tư, hỗ trợ di dời, vay vốn tín dụng, đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp... tạo điều kiện cho doanh nghiệp dệt may phát triển ổn định và tạo ra sản phẩm có chất lượng cao. Bên cạnh đó, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến đầu tư theo hướng thông thoáng, hấp dẫn, đảm bảo phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế. Xây dựng chính sách thu hút và khuyến khích đầu tư các dự án xơ sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất và thuộc da có quy mô lớn, công nghệ cao, công nghệ nguồn, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường.” – Đại diện VITAS kiến nghị.

Hiện nay, “xanh hóa” đang là xu hướng và hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư đối với ngành Dệt may

Dự báo về kết quả năm 2023, theo đại diện VITAS sẽ còn nhiều khó khăn cho các ngành sản xuất xuất khẩu như dệt may, chiến tranh Nga-Ukraina vẫn đang diễn ra, nhu cầu thế giới vẫn chưa có tín hiệu phục hồi, đặc biệt lạm phát cao tại các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may như Mỹ, EU,... Trong quý I, quý II năm nay, doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với nỗi lo thiếu đơn hàng; cạnh tranh với các nước có nền công nghiệp dệt may lớn như Bangladesh, Ấn Độ, Campuchia…với áp lực cạnh tranh về giá, thời gian giao hàng, chi phí sản xuất, tiền lương, chuyển dịch lao động, v.v… Các chuẩn mực đánh giá của khách hàng ngày càng khắt khe trong khi sức mua toàn cầu vẫn giảm. Trước tình hình đó, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đưa ra 2 kịch bản, kịch bản tích cực, năm 2023 khả năng xuất khẩu (KNXK) ngành dệt may có thể đạt 47-48 tỷ USD với kỳ vọng thị trường hồi phục từ quý 2/2023. Kịch bản kém tích cực hơn, dự kiến KNXK dệt may đạt 45-46 tỷ USD.