Thanh Tâm ·
1 năm trước
 3583

Thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp

Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu cơ bản của phát triển bền vững. Vừa qua, Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các dự án sản xuất kinh doanh, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao

Trước những bất cập trong công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững ở các KCN truyền thống thì hướng phát triển khu công nghiệp (KCN) sinh thái được coi là giải pháp để hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Thống kê mới đây cho biết, trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện xây dựng 8 CCN với tổng diện tích là 443,97 ha. Trong đó, 5 CCN đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động với tổng diện tích 312,74h a, gồm: CCN Kim Sen tại Đông Triều với diện tích 70,78 ha; CCN Hà Khánh tại TP.Hạ Long với diện tích 50,01 ha; CCN Hoành Bồ tại TP.Hạ Long với diện tích 69,4 ha; CCN Cẩm Thịnh, TP.Cẩm Phả với diện tích 75ha; CCN Nam Sơn, huyện Ba Chẽ với diện tích 47,55 ha.

Thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các dự án sản xuất kinh doanh, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh minh họa)

Hiện các CCN đã thực hiện thu hút được 421 dự án thứ cấp với 5.129 lao động, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt gần 70%. Còn lại 3 CCN đang triển khai các bước chuẩn bị, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật gồm: CCN Phương Nam, TP Uông Bí, với diện tích là 62,65 ha; CCN Đông Mai, TX Quảng Yên, với diện tích là 16 ha; CCN Vân Đồn, huyện Vân Đồn, với diện tích 52,58 ha.

Để đảm bảo hoạt động hiệu quả, đúng hướng, công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường trong các Cụm công nghiệp (CCN) đang được các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư thực hiện triệt để, đồng bộ.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Quảng Ninh cho hay: Với quan điểm nâng cao tính chủ động trong ứng phó, giải quyết các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường, Sở TN&MT đã tăng cường công tác kiểm soát, phòng ngừa đối với những đơn vị có nguồn xả thải lớn, các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Sở TN&MT ngay từ đầu năm đã xây dựng kế hoạch, thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, quy hoạch và đầu tư tại các dự án sản xuất kinh doanh, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải trước khi hoạt động

Hiện nay, nhằmđảm bảo công tác môi trường, các CCN đã thực hiện đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động. Đồng thời, tích cực triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường theo đúng các quy định trong quá trình kinh doanh, sản xuất. Điển hình, như tại CCN Hà Khánh (TP.Hạ Long), chủ đầu tư đã dành trên 180 tỷ đồng đầu tư hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung của CCN theo hướng đồng bộ, hiện đại. Bao gồm:

Cổng, tường rào, nhà bảo vệ, nhà điều hành, đường giao thông nội bộ, cấp điện, cấp nước, vỉa hè, cây xanh, thoát nước, trạm xử lý nước thải (công suất 800m3/ngày đêm), đảm bảo phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư thứ cấp. Đến nay, CCN Hà Khánh đã có 136 nhà đầu tư thứ cấp thực hiện thuê đất kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy đạt 99% diện tích. Nhiều doanh nghiệp di dời vào CCN này đều bày tỏ sự hài lòng và quyết tâm gắn bó lâu dài để phát triển.

Thống kê của Phòng Quản lý Công nghiệp Sở Công Thương cũng cho thấy, đến nay, tỷ lệ các CCN có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung đạt 80%. Cụ thể, CCN Hà Khánh, TP.Hạ Long, đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 800 m3/ngày, đêm; CCN Nam Sơn, huyện Ba Chẽ đã hoàn thành có hệ thống xử lý nước thải công suất 2.000 m3/ngày đêm;

CCN Hoành Bồ, TP.Hạ Long, đã đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải công suất 950 m3/ngày đêm; CCN Cẩm Thịnh, TP.Cẩm Phả, có hệ thống xử lý nước thải công suất 950 m3/ngày đêm. Riêng CCN Kim Sen, TX Đông Triều, hiện chưa đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung do CCN Kim Sen bao gồm các dự án độc lập được nhóm lại thành CCN; vì vậy, khó khăn trong việc quản lý thống nhất về bảo vệ môi trường, xử lý nước thải tập trung và đầu tư xây dựng CCN.

Bên cạnh việc quản lý, theo dõi, vận hành hiệu quả các hệ thống xử lý nước thải trong các CCN, các sở, ngành, địa phương liên quan sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và triển khai chương trình sản xuất xanh, sạch tại các cơ sở sản xuất trong CCN bằng chính sách hỗ trợ chuyển đổi công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường theo định hướng chung của tỉnh.

Đồng thời, thường xuyên phối hợp với chủ đầu tư các CCN tiếp tục đầu tư hoàn thiện các hệ thống xử lý nước thải khi đi vào hoạt động, kiên quyết không để xảy ra trình trạng các CCN đi vào hoạt động mà chưa đầu tư đầy đủ, đồng bộ hệ thống xử lý nước thải cũng như xây dựng phương án ứng phó, xử lý sự cố môi trường theo quy định trong thời gian tới.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về môi trường trong các KCN, đồng thời xem xét điều chỉnh các chế tài để đảm bảo tính răn đe đối với hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Đối với việc đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung, cần có những chế tài có tính bắt buộc đối với doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN, KCX.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường; có các giải pháp huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường và khuyến khích xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường.