Sáng nay (14/7), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ 3 của Ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Tham dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ 3 của Ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. (Ảnh: Báo Chính phủ)
Phát biểu khai mạc phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại quan điểm tiếp cận toàn cầu, toàn dân, bảo đảm công bằng, công lý trong vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu.
Trong phiên làm việc, các đại biểu tập trung thảo luận, báo cáo cập nhật, đánh giá những việc đã làm được, những việc chưa làm được sau phiên họp lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo, những khó khăn, vướng mắc cần Ban Chỉ đạo cùng bàn để tháo gỡ, nhất là trong việc đổi mới về thể chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26.
Đồng thời các đại biểu cho ý kiến về dự thảo Đề án tổ chức Hội nghị đối thoại hợp tác triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" và chuyển đổi năng lượng của Ban Chỉ đạo với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển sắp tới; về việc chuyển đổi năng lượng công bằng, công lý với các đối tác; về dự thảo Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26, các dự thảo chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch có liên quan để ban hành và sớm tổ chức triển khai thực hiện các nội dung cam kết tại Hội nghị COP26.
Sau phiên họp lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành và địa phương đã chủ động thực hiện công việc được phân công và đạt một số kết quả quan trọng như: hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methan của ngành giao thông vận tải; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê tan đến năm 2030. Một số bộ, ngành đã và đang xây dựng Kế hoạch hành động của ngành triển khai cam kết của Việt Nam tại COP26 hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng "0".
Nhiều thỏa thuận hợp tác đã được các bộ, ngành ký kết với các đối tác phát triển, các định chế tài chính, bước đầu tìm kiếm và huy động nguồn lực hỗ trợ, đầu tư và triển khai các giải pháp giảm nhẹ phát thải khi nhà kính, hướng tới phát triển bền vững, phát thải carbon thấp và tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Sau Hội nghị COP26, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới mong muốn phát triển các dự án điện gió ngoài khơi. Một số tập đoàn lớn đang tiến hành nghiên cứu, đề xuất các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam…
Trước đó, cuối tháng 10, đầu tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) được tổ chức tại Glassgow (Scotland, Vương quốc Anh).
Tại COP26, tất cả 197 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow (Glasgow Climate Pact). (Ảnh: Internet)
Tại hội nghị, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia đã tham gia Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh Hành động thích ứng toàn cầu…
Việc thực hiện các cam kết tại COP26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược; việc triển khai thực hiện kịp thời các cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước. Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng carbon thấp.
Cam kết của Việt Nam tại COP26 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các định chế tài chính, tập đoàn lớn về năng lượng tái tạo đã cam kết, đề nghị được hợp tác với Việt Nam trong triển khai thực hiện cam kết.
Biến đổi khí hậu là vấn đề hệ trọng, được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học và nhân dân đặc biệt quan tâm. Đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, tiếp cận tổng thể để đánh giá mọi tác động của biến đổi khí hậu đến các ngành, lĩnh vực và các địa phương trên phạm vi cả nước trong mối quan hệ toàn diện giữa trung ương và địa phương, giữa các địa phương với nhau và với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Lấy cấp cơ sở là nền tảng, lấy người dân và doanh nghiệp là mục tiêu, là động lực, là trung tâm, là chủ thể để thực hiện.
Tạ Nhị