Minh Anh ·
1 năm trước
 3505

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 13/2/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 13/2/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 13/2/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Từ đêm nay Bắc Bộ chuyển rét

Theo Trung tâm dự báo khí tượng Quốc gia, hiện nay (13/2), bộ phận không khí lạnh đang tiến sát đến biên giới phía Bắc nước ta.

Dự báo không khí lạnh, trên đất liền: chiều tối và đêm 13/02, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc và Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh dần lên cấp 3; vùng ven biển cấp 3-4, có nơi giật cấp 6.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ đêm 13/2 và ngày 14/2, Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời chuyển rét, vùng núi có nơi rét đậm.

Trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến 14-17 độ, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 10-13 độ, vùng núi cao có nơi dưới 8 độ, khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế phổ biến 16-19 độ. Nhiệt độ cao nhất từ 18-21 độ.

Lào Cai: Khống chế thành công 2 điểm cháy rừng

Chiều tối ngày 12/2 tại khu vực thôn Suối Thầu 2, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã xảy ra 2 điểm cháy.

Nhận thông tin, thị xã Sa Pa chỉ đạo trực tiếp Kiểm lâm thị xã, Ban Chỉ huy quân sự thị xã; Đảng ủy, UBND xã, Ban chỉ đạo PCCCR xã Ngũ Chỉ Sơn huy động lực lượng tham gia chữa cháy.

Lực lượng chữa cháy tích cực khống chế đám cháy. Ảnh: ITN

Tuy nhiên, do trời tối, địa hình phức tạp (khu vực cháy nhiều vách đá, núi cao), không có đường đi, gió lớn, nên việc tiếp cận điểm cháy và chữa cháy rất khó khăn. Để đảm bảo nhanh chóng kiểm soát được điểm cháy trên, thị xã Sa Pa chỉ đạo UBND xã Ngũ Chỉ Sơn tăng cường khoảng 150 người và đảm bảo công tác hậu cần cho lực lượng tham gia chữa cháy tại điểm cháy này, nâng tổng lực lượng huy động tham gia chữa cháy lên hơn 300 người.

Sau nhiều giờ tích cực chữa cháy, khoảng 9h ngày 13/2 đám cháy đã cơ bản được khống chế. Đến thời điểm hiện tại điểm cháy đã được dập tắt hoàn toàn. UBND thị xã Sa Pa yêu cầu các lực lượng bố trí trực tại hiện hiện trường để kịp thời xử lý nếu xuất hiện điểm cháy bùng phát.

Yên Bái phấn đấu trồng mới trên 15.500 ha rừng trong năm 2023

Năm 2023, tỉnh Yên Bái phấn đấu trồng mới trên 15.500 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng ổn định 63%. Để hoàn thành kế hoạch, UBND tỉnh đã sớm giao chỉ tiêu, kế hoạch và chỉ đạo các địa phương chủ động chuẩn bị địa điểm, cây giống, vật tư lâm nghiệp phục vụ công tác trồng rừng.

Đồng thời, để thực hiện tốt phong trào tết trồng cây, tỉnh đã tổ chức phát động các ngành, các đoàn thể tham gia trồng cây; tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân về mục đích và ý nghĩa của tết trồng cây.

Không khí trồng rừng thật sôi động ngay từ mùng 6 tết Nguyên đán, các địa phương trong tỉnh đồng loạt ra quân hưởng ứng phong trào trồng cây, trồng rừng. Ngay ngày đầu ra quân, các địa phương đã trồng mới được trên 346 ha rừng tập trung và 110.009 cây phân tán, quy diện tích được 110 ha.

Đến ngày 2/2/2022, toàn tỉnh đã trồng được trên 2.469 ha, đạt 15,9% kế hoạch, trong đó trồng rừng tập trung 1.481 ha, trồng cây phân tán quy diện tích 987,4 ha. Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo các hạt kiểm lâm tích cực phối hợp với chính quyền địa phương hoàn thành công tác thiết kế, quản lý chặt chẽ chất lượng giống để đảm bảo hoàn thành mục tiêu trồng rừng vụ xuân.

Lạng Sơn: Đảm bảo công tác vệ sinh môi trường tại các điểm lễ hội

Ngay từ trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn đã triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Lạng Sơn, hiện toàn tỉnh có khoảng 280 lễ hội trong dịp đầu xuân. Nguyễn Khắc Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết, lượng rác thải phát sinh tại các lễ hội là rất lớn và cần thiết phải có các giải pháp giữ gìn vệ sinh môi trường. Ngay từ trước Tết Nguyên đán, đơn vị đã tham mưu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn ban hành văn bản gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thành phố về việc tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão. Nhất là tại các khu vực diễn ra lễ hội.

Hoạt động đốt lửa trại khai mạc lễ hội Kỳ Hoa 2022. Ảnh: Phú Long

Trên cơ sở đó, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội trên địa bàn thực hiện nghiêm túc công tác giữ gìn vệ sinh môi trường; tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân tăng cường công tác thu gom và để rác đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi, không xả nước thải ra đường và nơi công cộng; tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, các buổi ra quân làm vệ sinh môi trường tại các khu vực công cộng, đường phố, ngõ xóm, thôn, bản sau khi kết thúc các lễ hội xuân; tăng cường đôn đốc các đơn vị làm công tác dịch vụ môi trường, ban tổ chức các lễ hội quan tâm vệ sinh môi trường khu vực lễ hội trước, trong và sau khi kết thúc lễ hội. Đồng thời, các địa phương đã phối hợp với các đơn vị dịch vụ môi trường để triển khai các giải pháp giữ gìn vệ sinh môi trường tại các lễ hội.

Thanh Hóa: Phát triển thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu

Toàn tỉnh hiện có 19.500 ha NTTS và khoảng 8.000 ha vùng triều tập trung ở các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nông Cống, thị xã Nghi Sơn, TP Sầm Sơn... Lâu nay, NTTS được các địa phương chú trọng đầu tư và mở rộng diện tích, chuyển từ hình thức nuôi quảng canh sang bán thâm canh và thâm canh với các đối tượng nuôi ngày càng đa dạng, phong phú, nhất là những loại có giá trị kinh tế cao, như: tôm, cua, ngao...

Để từng bước phát triển NTTS bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2016 - 2020, các sở, ngành, các địa phương đã huy động nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương 120,107 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 14,453 tỷ đồng để thực hiện các dự án: khu NTTS Hoằng Phong (Hoằng Hóa); vùng NTTS Đông - Phong - Ngọc (Hà Trung); xây dựng cơ sở hạ tầng vùng NTTS các xã Minh Lộc, Hòa Lộc (Hậu Lộc) và đưa vào sử dụng 2 vùng NTTS an toàn tập trung tại các xã Nga Tân (Nga Sơn), Hoằng Lưu (Hoằng Hóa) với diện tích 300 ha. Nguồn vốn ODA đầu tư dự án nguồn lợi thủy sản ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa cũng hỗ trợ đầu tư 10 vùng NTTS nước lợ tại các xã Nga Tân, Nga Thủy (Nga Sơn); Xuân Lộc (Hậu Lộc); Hoằng Đạt, Hoằng Thắng, Hoằng Lưu, Hoằng Châu, Hoằng Phong (Hoằng Hóa); Quảng Chính, Quảng Khê (Quảng Xương). Ngoài ra, toàn tỉnh đã chuyển đổi linh hoạt 22.041 ha đất trồng lúa kém hiệu quả, ruộng trũng sang NTTS kết hợp chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao.

Ảnh minh họa.

Để thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu trong NTTS, Chi cục Thủy sản khuyến cáo người nuôi cần chủ động áp dụng các kỹ thuật, công nghệ mới để vừa mang lại năng suất, sản lượng cao, vừa bảo đảm môi trường bền vững; khuyến khích người dân xây dựng các mô hình nuôi đa tầng, đa loài; mô hình nuôi theo hệ thống bể; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm nước lợ nhiều giai đoạn; thu nhỏ diện tích ao nuôi để dễ dàng tác động kỹ thuật, đồng thời tăng cường quá trình quản lý, diễn biến các yếu tố môi trường trong ao nuôi...

Cùng với đó, các địa phương có kế hoạch xây dựng, bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng như: hệ thống đê điều, hệ thống điện, trạm bơm, hệ thống cấp và thoát nước... cho vùng NTTS.

Cần Thơ: Chủ động ứng phó với mùa khô hạn, xâm nhập mặn

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, hiện nay dòng chảy sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) phụ thuộc khá lớn vào vận hành thủy điện ở thượng nguồn. Dòng chảy về đồng bằng giảm nhanh các tháng đầu mùa kiệt, mặn đã lên sớm ở tháng 12-2022 và tiếp tục tăng cao trong tháng 2-2023.

Cần Thơ chủ động ứng phó xâm nhập mặn

Cụ thể, vùng thượng ÐBSCL (bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Ðồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP. Cần Thơ), trong tháng 2 có thuận lợi hơn về nguồn nước so với các vùng khác trên đồng bằng. Ðồng thời, mực nước bình quân có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm 10cm. Vùng giữa ÐBSCL (bao gồm phần đất thuộc TP. Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Ðồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre) thì khu vực ven sông Tiền và sông Hậu có thể còn bị ảnh hưởng bởi triều cường ở tháng 2 và mặn với nồng độ 4g/l có thể xâm nhập sâu 45-60km ở một số địa phương, nếu thượng lưu vận hành xả nước bất thường có thể làm mặn vào sâu 50-65km, làm ảnh hưởng đến việc lấy nước của các cống lấy nước.

Theo các chuyên gia, tiềm năng nguồn nước về ÐBSCL mùa kiệt 2023 được xem là có thuận lợi. Tuy nhiên, do sự phụ thuộc vào vận hành thủy điện trên lưu vực nên nguồn nước cho sản xuất được dự báo ở mức tương tự như ở năm 2020-2021. Khả năng mặn xâm nhập sâu bất thường có thể xảy ra bởi những biến động dòng chảy do vận hành thủy điện gây ra. Vì vậy các địa phương cần chủ động xây dựng các giải pháp ứng phó phòng, chống hạn mặn phù hợp với điều kiện của vùng.

Đồng thời, vùng thượng ÐBSCL, nguồn nước thuận lợi, khó khăn chủ yếu ở vùng núi cao Tịnh Biên, Tri Tôn. Vùng giữa ÐBSCL, nguồn nước cơ bản đảm bảo, vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn và tích nước, khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả. Vùng ven biển ÐBSCL, xâm nhập mặn có thể làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thủy lợi ven biển như Gò Công, Bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh và hệ thống Long Phú - Tiếp Nhật.

Các công cụ AI góp phần tăng lượng khí thải nhà kính

Khi Microsoft và OpenAI công bố kết quả hợp tác, một cuộc chạy đua toàn diện đã diễn ra giữa các công ty công nghệ khổng lồ.

Google và Microsoft đang tìm cách cải thiện kết quả tìm kiếm bằng cách tích hợp thêm các mô hình ngôn ngữ lớn, giúp phân tích và đưa ra phản hồi chính xác hơn. Cụ thể, Microsoft sẽ tích hợp ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing, trong khi Google sử dụng công nghệ LaMDA và ra mắt công cụ Bard.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng hoạt động này đòi hỏi rất nhiều tài nguyên để duy trì hệ thống máy tính. Sức mạnh được sử dụng để đào tạo một hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể thải ra hàng trăm ngàn kg khí thải nhà kính. Thống kê cho thấy việc sử dụng Internet đóng góp khoảng 1,6 tỉ tấn khí thải nhà kính hàng năm.

Các công cụ AI góp phần làm tăng lượng khí thải nhà kính. Ảnh: Edg3D/Getty

Chia sẻ với Wired, các chuyên gia cho biết sức mạnh tính toán cần thiết để hợp nhất AI với các công cụ tìm kiếm sẽ làm tăng lượng khí thải nhà kính. “Việc này đòi hỏi sức mạnh xử lý cũng như lưu trữ và tìm kiếm, làm gia tăng đáng kể nguồn điện và tài nguyên làm mát các trung tâm xử lý”, Alan Woodward, giáo sư an ninh mạng tại Đại học Surrey cho biết.

Các công cụ tìm kiếm mới cũng sẽ yêu cầu nhiều trung tâm dữ liệu hơn để lưu trữ dữ liệu, Martin Bouchard, người sáng lập công ty trung tâm dữ liệu QScale cho biết.