Tạ Nhị ·
2 năm trước
 1656

Tin tức môi trường nổi bật hôm nay ngày 28/7

Nắng nóng hết ngày mai, miền Bắc đón đợt mưa lớn dài ngày; Trao giải Cuộc thi sáng tác nghệ thuật về bảo vệ tầng ozone; Hạn hán nghiêm trọng nhất trong 60 năm qua ở Pháp... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 28/7.

Nắng nóng hết ngày mai, miền Bắc đón đợt mưa lớn dài ngày

Dự báo thời tiết trời mưa dông kéo theo gió mạnh, ngập nước, thậm chí là lốc xoáy, sạt lở gây nguy hiểm cho người dân một số vùng trong những ngày tới.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay (28/7), vùng hội tụ gió đang có xu hướng thiết lập trên khu vực vùng núi Bắc Bộ.

Cảnh báo từ chiều tối mai (29/7) đến ngày 01/8, ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt. Từ đêm mai (29/7) đến ngày 01/8, ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to.

Nắng nóng hết ngày mai, miền Bắc đón đợt mưa lớn dài ngày.

Khu vực Hà Nội từ đêm mai (29/7) đến ngày 31/7 có lúc có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi Bắc Bộ và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá: Cấp 1.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi Bắc Bộ và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

Khi trời mưa lớn các chuyên gia cảnh báo, người dân nên cẩn thận với các thiết bị điện, điện tử... trong nhà bằng việc không sử dụng điện thoại có dây, điện thoại bàn khi trời mưa có sấm sét vì điện thoại có thể là nguyên nhân dẫn đến sét đánh.

Dự báo mưa vẫn là một “bài toán khó”

Hiện nay, dự báo chính xác được lượng mưa rơi xuống một địa điểm tại một thời điểm vẫn luôn là “bài toán” khó không chỉ với cơ quan dự báo của Việt Nam mà cả với các cơ quan dự báo tiên tiến trên thế giới.

“Tại sao dự báo mưa lại khó? Một minh họa đơn giản, chúng ta có thể tưởng tượng cầm một xô nước lên trên tầng cao và đổ xuống một cái chậu ở tầng 1 và dự đoán sẽ có bao nhiêu nước vào chậu? Có khi chưa đến 1/3 số nước rơi được vào trong chậu, do trong quá trình rơi xuống có thể gặp các luồng khí theo phương ngang thổi vào làm lệch hướng của nước rơi xuống đất!”, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia Mai Văn Khiêm lí giải một cách hình ảnh.

Theo ông Mai Văn Khiêm, mưa về bản chất là hệ quả liên quan đến các quá trình chuyển động trong khí quyển (chuyển động rối vận chuyển hơi nước bề mặt lên cao, chuyển động thẳng đứng của hiện tượng đối lưu...) và đến một giai đoạn nào đó hơi nước chuyển pha (ngưng kết) về các dạng thể rắn (nước, băng tuyết) và chịu tác động của trọng lực rơi xuống bề mặt đất.

Tuy nhiên, trong quá trình ngưng kết và rơi xuống bề mặt, các hạt nước lại chịu tác động của các dòng khí thổi theo phương ngang và cả do sự chênh lệch với điều kiện môi trường bên ngoài mà bản thân hạt nước cũng sẽ lại bốc hơi một phần trong quá trình rơi xuống.

“Ngay cả khi quan trắc thấy được một đám mây dông đang di chuyển tới một địa điểm nhất định bằng hệ thống radar thời tiết, việc chuẩn đoán lượng mưa rơi xuống vẫn gặp khó khăn do những hiện tượng phức tạp như đã nêu trên và cả việc tái sinh những hệ thống dông nhỏ hơn bên trong các hệ thống dông đang giám sát”, ông Mai Văn Khiêm nói.

Do đó, mặc dù, các quá trình chuyển động trong khí quyển hiện nay đã được mô phỏng, giám sát rất hiệu quả thông qua các hệ thống quan trắc từ bề mặt đến trên cao, vệ tinh thời tiết, radar thời tiết nhưng việc ước lượng và dự báo chính xác được lượng mưa rơi xuống một địa điểm và tại thời điểm vẫn luôn là thách thức hiện nay trong khoa học dự báo thời tiết.

Xử phạt gần 300 triệu đồng đối với Công ty Anifer do vi phạm môi trường trong chăn nuôi

UBND tỉnh Yên Bái vừa ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, số tiền 284 triệu đồng đối với Chi nhánh Yên Bái - Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tích hợp Anifer về các hành vi vi phạm bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi tại thôn An Khang, xã Đông An, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. 

Theo đó, Chi nhánh Yên Bái - Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tích hợp Anifer bị xử phạt số tiền 70 triệu đồng đối với hành vi thực hiện không đúng một trong các nội dung của Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; 64 triệu đồng đối với hành vi xả nước thải có chứa thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,1 lần đến dưới 1,5 lần do có 4 thông số môi trường vượt quy chuẩn lần lượt là: 1,36; 1,35; 1,29; 1,17 và 150 triệu đồng do xả nước thải có chứa thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật trong trường hợp thải lượng nước thải từ 400 m3/ngày đến dưới 600 m3/ngày (theo Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước đã được UBND tỉnh Yên Bái cấp thì lưu lượng xả nước thải lớn nhất là 470 m3/ngày đêm).

Xử phạt gần 300 triệu đồng đối với Công ty Anifer do vi phạm môi trường trong chăn nuôi.

Về hành vi xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường (các thông số: COD, Tổng Nito, TSS, BOD5) vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,1 đến dưới 1,5 lần, đơn vị này bị xử phạt 64 triệu đồng.

Như vậy, tổng mức tiền phạt đối với 3 hành vi vi phạm của Chi nhánh Yên Bái - Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tích hợp Anifer là 284 triệu đồng.

UBND tỉnh Yên Bái cũng yêu cầu Chi nhánh Yên Bái của Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tích hợp Anifer phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; rà soát, cải tạo công trình xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định.

Trao giải Cuộc thi sáng tác nghệ thuật về bảo vệ tầng ozone

Dự kiến ngày 29/7, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) sẽ tổ chức Lễ trao giải và Triển lãm trưng bày các tác phẩm đạt giải Cuộc thi sáng tác nghệ thuật với chủ đề “Bảo vệ tầng ô-dôn để bảo vệ khí hậu Trái đất” tại Khách sạn Daewoo, Hà Nội.

Cuộc thi do Cục Biến đổi khí hậu phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức phát động nhân Kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn 16/9/2021 và hưởng ứng lời kêu gọi của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Sau hơn 6 tháng (từ 16/9/2021 đến hết 31/3/2022), Ban Tổ chức đã tiếp nhận tổng số 2.524 tác phẩm dự thi. Trong đó, thể loại tranh vẽ trên giấy có 2.080 tác phẩm, thể loại nhiếp ảnh có 331 tác phẩm và thể loại tranh công nghệ có 113 tác phẩm. Sau khi kết thúc vòng trong nước, 5 tác phẩm đoạt giải theo các thể loại được đề cử tham gia Cuộc thi khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Tại Lễ trao giải sắp tới, Ban Tổ chức sẽ trao giải vòng trong nước cho mỗi hạng mục, bao gồm: 2 giải Nhất; 9 giải Nhì, 16 giải Ba, 29 giải Khuyến khích và 4 Giấy khen cho tập thể tích cực tham gia hưởng ứng Cuộc thi.

Phần thưởng cho tác giả, nhóm tác giả đạt giải Nhất lên tới 10.000.000 đồng; giải Nhì 5.000.000 đồng; giải Ba 3.000.000 đồng và giải Khuyến khích 1.000.000 đồng.

Cuộc thi ghi nhận các tác giả và nhóm tác giả ở nhiều độ tuổi, nghề nghiệp khác nhau, như học sinh, sinh viên, nhà báo, kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia… Người nhiều tuổi nhất là 68 tuổi, ít tuổi nhất là 7 tuổi. Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, các tác phẩm vào chung khảo không chỉ đạt các yêu cầu theo thể lệ Cuộc thi đặt ra, mà còn thể hiện sự hiểu biết của tác giả về các vấn đề phổ biến về môi trường, biến đổi khí hậu, đặc biệt là những tác động tiêu cực đến sức khỏe con người gây ra bởi lỗ thủng tầng ô-dôn và hiện tượng nóng dần lên của Trái đất do hiệu ứng nhà kính...

Hạn hán nghiêm trọng nhất trong 60 năm qua ở Pháp

Theo Cơ quan khí tượng Pháp, nước Pháp đang trải qua tháng 7 khô hạn nhất kể từ năm 1959 khi lượng mưa trung bình đo được trên toàn nước Pháp tính từ đầu tháng đến nay chỉ là 8 mm.

Tình trạng thiếu mưa đã làm trầm trọng thêm vấn đề khô hạn được ghi nhận ngay từ khi mùa Hè bắt đầu. Trừ các lãnh thổ hải ngoại, đến nay, 90 trên tổng số 96 tỉnh thành tại Pháp được đặt trong tình trạng báo động về hạn hán. Đa số các tỉnh thành đã ra các sắc lệnh chưa từng có là yêu cầu tiết kiệm nước và chỉ sử dụng cho các nhu cầu thiết yếu.

Việc sử dụng nước để tưới cây, duy trì không gian xanh, sân gôn và rửa xe đã bị hạn chế hoặc bị cấm. Tại một số nơi, các hành vi vi phạm có thể chịu mức phạt lên đến 450 euro. Việc thiếu nước cũng đã ảnh hưởng mạnh đến lĩnh vực nông nghiệp khi làm giảm ít nhất 50% hoạt động đầu tư sản xuất. Nắng nóng cùng khô hạn đã làm các loại hoa quả, lúa mì hay ngũ cốc… chín sớm và bị giảm sản lượng.

Các cảnh báo về cháy rừng tiếp tục được tăng cường tại nhiều khu vực ở Pháp như tại các dãy núi Vosges và Jura, sườn phía tây của dãy Alps hay tại các tỉnh như Finistère, Creuse, Aveyron, Vaucluse hay Haute-Corse... Các hoạt động du lịch nghỉ dưỡng hay cắm trại hè gần như đã bị cấm hoàn toàn.

Theo số liệu thống kê, đợt nắng nóng kéo dài giữa tháng 7 vừa qua đã thiêu rụi gần 21.000 ha rừng tại tỉnh Gironde ở phía Tây nước Pháp, đồng thời khiến khoảng 36.000 người phải đi sơ tán.

Theo Cơ quan khí tượng Pháp, sự biến đổi khí hậu, nhiệt độ tăng làm gia tăng lượng nước bốc hơi kết hợp cùng tình trạng ít mưa đã làm suy giảm lượng nước bề mặt, khiến hạn hán ngày càng nghiêm trọng và diễn ra trong thời gian dài.

Cơ quan này cũng cảnh báo, tình trạng khô hạn sẽ trầm trọng thêm khi nước Pháp có thể bước vào một đợt nắng nóng mới dự kiến diễn ra vào đầu tháng 8/2022.

Nguồn: Kinh tế Môi trường