Gia Bảo ·
1 năm trước
 6225

Tốc độ đô thị hóa tăng từ 30,5% năm 2010 tới 40% năm 2022

Việt Nam đang trải qua một quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị nhanh chóng. Tốc độ đô thị hóa đã tăng lên từ 30,5% năm 2010 tới 40% năm 2022.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung” hồi đầu tháng 7 vừa qua. Hội thảo cho biết, trong vài thập kỷ qua, đất nước đã có sự tăng trưởng kinh tế đáng kể, dẫn đến phát triển cơ sở hạ tầng, di dân đô thị và mở rộng các thành phố ngày càng tăng.

Tại Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị (PTĐT) Việt Nam cho hay, năm 1990 cả nước có 500 đô thị (tỉ lệ đô thị hóa vào khoảng 17%-18%), đến tháng 9-2022, có 888 đô thị, tỉ lệ đô thị hóa là 41,5%. Tỉ lệ đô thị hóa ở Việt Nam thấp so với khu vực và thế giới. Bên cạnh đó quy hoạch đô thị còn thiếu đồng bộ, thiếu tích hợp, công tác dự báo quy hoạch thiếu tính chính xác, chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa gắn quy hoạch với nguồn lực thực hiện, phải điều chỉnh thường xuyên, thiếu vắng sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và người dân nên chưa đáp ứng được yêu cầu PTĐT trong giai đoạn mới.

Ảnh minh hoạ. ITN

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW đã đề ra 15 nhóm chỉ tiêu cụ thể như: Tỉ lệ đô thị hóa toàn quốc đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950-1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000-1.200 đô thị. Đến năm 2025, bảo đảm tối thiểu 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị. Tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 11%-16% vào năm 2025, 16%-26% vào năm 2030.

Chính phủ Việt Nam đã tích cực tham gia giải quyết các vấn đề của phát triển đô thị có gắn với tính bền vững, bao gồm việc xây dựng các chính sách và hướng dẫn nhằm thúc đẩy quy hoạch và quản lý đô thị bền vững. Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị Việt Nam bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng quy hoạch phát triển đô thị hướng tới các mục tiêu bền vững. Ngày 11/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW và nhằm nâng cao kiến thức, năng lực quản lý của cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức theo dõi, quản lý lĩnh vực quy hoạch và xây dựng đô thị tại các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.

Tại Việt Nam, các đô thị đang đóng góp 70% GDP cả nước, 5 thành phố trực thuộc trung ương mặc dù chỉ chiếm 2,9% về diện tích và khoảng 22% về dân số nhưng năm 2020 đã đóng góp tới 46,8% GDP cả nước.