TM ·
2 năm trước
 5297

Tội phạm về động vật hoang dã: Cần nhiều bản án nghiêm khắc hơn

Thời gian gần đây, công cuộc bảo vệ động vật hoang dã đã có nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng mỗi ngày vẫn có hàng ngàn cá thể động vật hoang dã biến mất và con người là thủ phạm chính, đẩy các loài đến nguy cơ tuyệt chủng.

Theo cơ sở dữ liệu vi phạm về động vật hoang dã của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, năm 2021 ghi nhận 3.703 vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, tăng mạnh so với năm 2020 (2.907 vụ). Trong đó, hành vi quảng cáo, rao bán trái phép động vật hoang dã chiếm phần lớn với 2.594 vụ việc; tiếp theo là 962 vụ việc liên quan đến tàng trữ, nuôi nhốt trái phép và 182 vụ việc buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã.

Các loài động vật hoang dã thường bị quảng cáo, buôn bán, nuôi nhốt trái phép gồm: ngà voi (566 vụ), hổ (551 vụ), gấu (546 vụ) khỉ (267 vụ) và 70 vụ việc liên quan đến tê tê. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm về động vật hoang dã trên Internet có chiều hướng tăng mạnh và phức tạp hơn với 2.486 vụ xảy ra trong năm 2021, cao hơn nhiều so với năm 2020 chỉ với 1.759 vụ.

Hầu hết, các vụ được phát hiện và xử lý từ tin báo của người dân đến đường dây nóng bảo vệ động vật hoang dã 1800-1522, trung bình 10 vụ vi phạm/ngày. Năm 2021, trong 2.448 vụ được phát hiện do người dân thông báo đến đường dây nóng có 1.807 vụ đã được xử lý thành công, các cá thể động vật hoang dã được giải cứu và đối tượng vi phạm bị xử phạt hành chính/xử lý hình sự theo quy định pháp luật.

Đăk Glei, tỉnh Kon Tum đã tuyên phạt đối tượng Trần Văn Ngọc, sinh năm 1987, trú tại xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei, mức án 10 năm tù về hành vi vận chuyển trái phép 63 cá thể rùa đầu to - loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm thuộc (nhóm IB) theo quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.

Trước đó, ngày 18/6/2021, Công an huyện Đăk Glei đã phát hiện và tịch thu 63 cá thể rùa đầu to, với tổng khối lượng 19,6kg, bị cất giấu trong 8 túi lưới cước trên một xe bán tải do đối tượng Trần Văn Ngọc điều khiển. Đối tượng đã bị bắt giữ và khai nhận mua lại các cá thể rùa trên từ một người dân săn bắt tại Lào. Tất cả số lượng rùa đã được chuyển giao tới Vườn quốc gia Chư Mom Ray để cứu hộ và chăm sóc.

Hưởng ứng Ngày Thế giới bảo vệ động vật hoang dã 3/3, tại tọa đàm chuyên đề “Nâng cao hiệu quả xử lý tội phạm về động vật hoang dã" mới đây, do Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên phối hợp với Viện kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên nhấn mạnh thành phố Hà Nội là địa phương ghi nhận số lượng lớn nhất tội phạm về động vật hoang dã được đưa ra xét xử. Đây cũng là địa phương có nhiều bản án nghiêm khắc, có ý nghĩa răn đe với tội phạm về động vật hoang dã, khẳng định quyết tâm đấu tranh với loại tội phạm này của các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Hà Nội.

Chia sẻ một số vấn đề trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã, bà Bùi Thị Hà cho biết cần tra cứu, xác định tên loài động vật hoang dã; xác định mức độ bảo vệ của loài động vật hoang dã; xử lý vi phạm liên quan đến loài động vật hoang dã thuộc nhiều Danh mục bảo vệ; ý chí chủ quan của đối tượng phạm tội về động vật hoang dã; khái niệm bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống và sản phẩm; phân biệt hành vi nuôi nhốt và tàng trữ động vật hoang dã; các vụ án có tang vật là ngà voi và sừng tê giác; trường hợp phải định giá tang vật là động vật hoang dã...

Đồng thời, khuyến nghị xử lý đối với động vật nguy cấp, quý, hiếm như trường hợp động vật hoang dã còn sống chuyển giao đến Trung tâm cứu hộ (có thể liên hệ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên để hỗ trợ điều phối hoạt động cứu hộ). Chỉ thả động vật hoang dã về tự nhiên nếu động vật hoang dã khỏe mạnh, được tịch thu gần khu vực sinh sống tự nhiên và mới bị buôn bán trong một thời gian ngắn.

Ngoài ra, cần có đánh giá của các chuyên gia về việc tái thả và khả năng sinh tồn của loài động vật hoang dã. khi tái thả. Với động vật hoang dã đã chết, sản phẩm, bộ phận, chuyển về Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam hoặc tiêu hủy. Với mẫu vật (bộ phận) loài Nhóm IB, chuyển giao đến cơ quan Dự trữ Nhà nước.

Theo dữ liệu từ Danh sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) về các loài bị đe dọa, hơn 8.400 loài động vật và thực vật hoang dã đang bị đe dọa nghiêm trọng, trong khi gần 30.000 loài khác được coi là có nguy cơ tuyệt chủng hoặc dễ bị tổn thương. Dựa trên những ước tính này, hơn một triệu loài đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Sự mất mát liên tục của các loài, môi trường sống và hệ sinh thái cũng đe dọa tất cả sự sống trên Trái Đất. Con người ở khắp mọi nơi dựa vào động vật hoang dã và các nguồn tài nguyên dựa trên đa dạng sinh học để đáp ứng mọi nhu cầu từ thực phẩm, đến nhiên liệu, thuốc men, nhà ở và quần áo. Hàng triệu người cũng dựa vào thiên nhiên như nguồn sinh kế và cơ hội kinh tế của họ.

Nguyễn Linh (T/h)

Nguồn: Kinh tế Môi trường