Vietcombank tiếp tục duy trì vị trí quán quân lợi nhuận của ngành ngân hàng với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 29.550 tỷ đồng. Lợi nhuận quý 3 của Vietcombank cũng cao nhất hệ thống, đạt 9.051 tỷ, so với đầu năm tăng 19,6%.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, ngân hàng này đã giảm mạnh các khoản chi cho hoạt động quản lý công vụ, nhờ đó đưa chi phí hoạt động giảm 3,2% so với cùng kỳ xuống mức 16.163 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí dự phòng rủi ro giảm 22,3% (xuống 6.051 tỷ đồng), đã giúp Vietcombank ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương so với năm ngoái.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Năm 2023, Đại hội đồng cổ đông Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt tối thiểu 42.900 tỷ đồng. Có thể thấy, đến hết quý 3, ngân hàng đã hoàn thành được 69% kế hoạch cả năm.
Ngoài ra, Vietcombank cũng đang bỏ khá xa các ngân hàng còn lại trong hệ thống về lợi nhuận. Được biết, trên bảng xếp hạng, Top 2 và Top 3 lần lượt là MB (20.019 tỷ đồng) và BIDV (19.763 tỷ đồng).
MB báo lãi trước thuế quý 3 đạt 7.284 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ). Trong khi đó, BIDV ghi nhận lãi trước thuế quý 3 sụt giảm 12% (xuống 5.893 tỷ đồng). MB đã soán ngôi "á quân" lợi nhuận 6 tháng của BIDV.
Hai nhà băng tiếp theo, đứng Top 4, Top 5 là VietinBank (17.401 tỷ đồng) và Techcombank (17.115 tỷ đồng) với lợi nhuận bám sát nhau và có chênh lệch không đáng kể. Hai nhà băng này cũng có mục tiêu lợi nhuận năm 2023 khá tương đương nhau (22.000-22.500 tỷ đồng). Techcombank hiện đã hoàn thành được 78% kế hoạch cả năm, trong khi đó VietinBank hoàn thành được 77%.
Đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng là ACB với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 15.024 tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ). Ngân hàng này đang đi sát lộ trình, hoàn thành được 75% kế hoạch cả năm (hơn 20.000 tỷ đồng).
Bốn nhà băng còn lại trong Top 10 lợi nhuận ngân hàng 9 tháng đầu năm 2023 lần lượt là HDBank (8.631 tỷ đồng), SHB (8.509 tỷ đồng), VIB (8.325 tỷ đồng) và VPBank (8.279 tỷ đồng). Lợi nhuận của 4 ngân hàng này không có nhiều chênh lệch và chỉ cách nhau vài trăm tỷ đồng. Theo đó, thứ hạng trong quý cuối cùng của năm có thể sẽ lại có sự xáo trộn.
Thực tế, so với cuối quý 2, thứ hạng của Top 7 – Top 10 cũng đã những thay đổi. HDBank nhờ lợi nhuận tăng trưởng dương trong quý 3 nên đã vượt VIB và SHB để nhảy từ Top 9 lên Top 7.
Ngân hàng có tiến độ chậm nhất trong Top 10 về mục tiêu lợi nhuận năm là VPBank. Ngân hàng này lên kế hoạch lãi trước thuế hơn 24.000 tỷ đồng trong năm nay nhưng hết tháng 9 mới chỉ hoàn thành được 34% kế hoạch.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2023 đối với các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, tình hình kinh doanh và lợi nhuận của hệ thống ngân hàng trong quý III/2023 chưa có sự cải thiện như kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.
Các tổ chức tín dụng tiếp tục điều chỉnh thu hẹp kỳ vọng về tình hình kinh doanh và lợi nhuận trong thời gian tới, trong đó 66,7 - 72,1% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện trong quý IV và cả năm 2023 (thấp hơn tỷ lệ 70,3 - 74,8% của kỳ điều tra trước), cùng với đó số tổ chức tín dụng lo ngại tình hình kinh doanh suy giảm tăng lên.
Trong những tháng cuối năm, VNDirect kỳ vọng những nhà băng có tỷ lệ cao về cho vay bán lẻ như VIB, ACB có nhiều cơ hội để cải thiện tăng trưởng tín dụng khi Việt Nam đang dần bước vào giai đoạn phục hồi ban đầu. Còn ngược lại, những nhà băng có tỷ lệ cho vay bất động sản cao có thể sẽ gặp khó khăn trong việc mở rộng tín dụng khi Thông tư 06/2023 (hiệu lực từ tháng 9/2023) sẽ giới hạn khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp.
Theo dự báo của Wigroup, những ngân hàng có tỷ lệ cho vay bán lẻ cao sẽ tiếp tục hưởng lợi khi Việt Nam đang dần bước vào giai đoạn phục hồi. Còn những ngân hàng có tăng trưởng cho vay chủ yếu đến từ BĐS sẽ tiếp tục gặp khó bởi chính sách siết tín dụng sẽ giới hạn khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7017249751668054/?