Ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng
Sông Đồng Nai là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp chính cho toàn tỉnh Đồng Nai và vùng phụ cận. Việc hình thành và phát triển nuôi cá bè được thực hiện theo quy mô làng, khu vực phần nào tạo sinh kế cho các hộ gia đình.
Tuy nhiên, theo kết quả quan trắc chất lượng nước mặt mới đây của Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, hầu hết khu vực nuôi thủy sản trên sông, hồ trên địa bàn tỉnh đều bị ô nhiễm nguồn nước. Điều này không chỉ tác động trực tiếp đến hiệu quả nuôi trồng thủy sản mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước đầu vào của các nhà máy cấp cho sinh hoạt.
Khu vực làng nuôi cá bè trên sông La Ngà (huyện Định Quán) là nơi có mức độ ô nhiễm cao nhất. Tại thời điểm quan trắc vị trí cầu số 1 có 6/17 thông số vượt quy chuẩn quy định giá trị giới hạn các thông số chất lượng nước mặt của Bộ TN&MT (COD vượt 2,3 lần; BOD5 vượt 1,5 lần; Amoni vượt 4,6 lần; Nitrit vượt 1,9 lần; E.Coli vượt 4,6 lần; Fe vượt 2,3 lần).
Tại khu vực làng cá bè Ba Xê (phường Long Bình Tân, TP. Biên Hoà) vào thời điểm quan trắc có 6/17 thông số vượt so với quy chuẩn từ 1,1 - 1,4 lần là: Fe, Amoni, Nitrit, COD, Coliform, đặc biệt có vi sinh E.Coli vượt đến 34 lần.
Còn ở khu vực nuôi hàu trên sông Bà Hào (huyện Nhơn Trạch), khu vực dự án nuôi tôm Rạch Tràm (huyện Nhơn Trạch) và nhiều khu vực khác trên địa bàn cũng đều có thông số vượt quy chuẩn.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Tống Văn Sỹ (ngụ phường Tân Mai, TP. Biên Hòa) cho rằng, nguồn nước khu vực nuôi cá bè thuộc phường Hiệp Hòa ô nhiễm do nhiều yếu tố cộng sinh. Đó là, chất thải của cá, chất thải sinh hoạt của các hộ dân, rác và nước thải sinh hoạt từ các suối trong thành phố chảy ra sông, đọng lại ở các lồng, bè, một số bè nuôi quy mô nhỏ sử dụng nguồn thức ăn không đảm bảo.
Theo ông Đào Văn Xuyến - làng cá bè Ba Xê, phần lớn các hộ nuôi cá khu vực này chỉ cho ăn cám trong giai đoạn cá nhỏ. Khi cá được khoảng 3 tháng thì chuyển sang các loại thức ăn rẻ tiền hơn, đó là là cơm thừa ở các công ty, lòng gà vịt, cá nhỏ… Hơn 80 hộ sinh sống ở làng bè nhưng không có ai đi thu gom chất thải.
Ông Huỳnh Tấn Lộc - Phó chủ tịch UBND TP. Biên Hòa cho hay, một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước mặt ở khu vực nuôi thủy sản là tình trạng sử dụng chất thải từ các lò giết mổ (nội tạng heo, ruột gà vịt, ruột cá) làm thức ăn.
Trong năm 2021, TP. Biên Hoà kiểm tra và bắt quả tang trường hợp vận chuyển 2,5 tấn nội tạng động vật làm thức ăn cho cá, đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng, buộc tiêu hủy tang vật.
Chủ trươnggiải tỏa các bè nuôi cá
Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa - Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, thành phố đã đưa ra chủ trường về việc giải tỏa các bè nuôi cá trên sông Cái, buộc phải thực hiện để đảm bảo môi trường, cảnh quan đô thị.
Trước mắt, thành phố sẽ di dời, tạm ngưng nuôi cá lồng bè mỗi bên 200m tại vị trí dự kiến xây cầu Thống Nhất. Các khu vực còn lại sẽ giảm dần quy mô, tiến tới ngưng nuôi cá bè vào cuối năm 2023.
Về chính sách hỗ trợ, thành phố sẽ sớm hoàn thiện và trình UBND tỉnh phê duyệt đề án. Dự kiến thành phố sẽ chi ngân sách khoảng 40 tỉ đồng hỗ trợ người dân di dời, chuyển đổi nghề nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) Trương Văn Khiêm cho rằng, trước khi có chủ trương sắp xếp lại làng cá bè, phường Long Bình Tân có 135 hộ với 248 bè cá chủ yếu tập trung xung quanh cù lao Ba Xê. Qua nhiều lần tuyên truyền, vận động, hiện còn 88 hộ với 88 bè, đa phần là những hộ khó khăn. Phường thống nhất với chủ trương ngưng nuôi thủy sản trên sông của thành phố, nhiều hộ dân cũng mong muốn lên bờ, nhưng mong chính sách hỗ trợ thỏa đáng để người dân có điều kiện cải thiện cuộc sống.
Đồng thời, Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường giám sát, hướng dẫn người dân hạn chế nguồn thải ra sông, suối; Sở NN&PTNT phối hợp với UBND huyện Định Quán, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật nuôi thủy sản đảm bảo đúng mật độ nuôi, giám sát chất lượng nước khu vực nuôi cá hồ Trị An.
UBND TP.Biên Hòa, Công ty TNHH MTV Cấp nước Đồng Nai cũng cần tăng cường kiểm soát chất lượng nước mặt trước và sau khi xử lý đảm bảo chất lượng nguồn nước cấp cho người dân sử dụng đạt quy chuẩn, trong đó lưu ý kiểm soát chất lượng nước mặt trước khi vào Nhà máy Nước Thiện Tân, Trạm bơm nước Hóa An và Nhà máy nước Biên Hòa.
Tại văn bản báo cáo kết quả việc thực hiện di dời bè cá trên sông La Ngà về khu quy hoạch hồ Trị An, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán - Ngô Tấn Tài đề xuất Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai ký hợp đồng cho thuê mặt nước nuôi thủy sản lồng, bè cho các hộ đã vào vùng quy hoạch, cắm bảng cấm nuôi cá lồng, bè tại khu vực thuộc diện phải di dời để các hộ dân biết và chấp hành.
Sở NN&PTNT xem xét cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi thủy sản lồng bè cho các hộ nuôi theo quy hoạch. Khi đã đăng ký, có giấy chứng nhận, các hộ không thể tự ý tăng lồng, bè, phải tuân thủ các quy định về mật độ, về vệ sinh môi trường; hộ không có giấy chứng nhận buộc phải chấm dứt nuôi cá...
Huỳnh Huỳnh
Nguồn: Kinh tế Môi trường