PN ·
2 năm trước
 3771

Tro xỉ của nhiệt điện than tại Việt Nam được xử lý ra sao?

Trong năm 2021, các nhà máy nhiệt điện thải ra tổng khối lượng tro, xỉ là 7,34 triệu tấn, tổng khối lượng tiêu thụ là 6,89 triệu tấn. Vậy, tro xỉ được sử dụng vào việc gì?

Chia sẻ tại Hội nghị đẩy mạnh công tác tiêu thụ tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện than của EVN diễn ra ngày 25/3 tại Bình Thuận, ông Tạ Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Kỹ thuật – Sản xuất EVN cho biết: Hiện nay, EVN đang sở hữu 12 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất đặt 12.678MW. Trung bình hàng năm, các nhà máy nhiệt điện tiêu thụ khoảng 35 - 40 triệu tấn than, tương ứng khoảng 7 - 10 triệu tấn tro xỉ phát sinh.

Tro, xỉ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện than đã được tiêu thụ đạt 94%. (Ảnh minh họa)

Trong năm 2021, tổng khối lượng tro, xỉ phát sinh là 7,34 triệu tấn, tổng khối lượng tiêu thụ là 6,89 triệu tấn, đạt 94% khối lượng phát sinh. Tỷ lệ tro xỉ tiêu thụ trong năm 2021 tăng cao nhất kể từ năm 2015.

Trong những năm vừa qua, tỉ lệ tiêu thụ tro xỉ tại các khu vực tăng dần theo từng năm, đặc biệt là các tỉnh khu vực phía Bắc từ Thanh Hóa trở ra. Đối với các tỉnh khu vực phía Nam từ Nghệ An trở vào Trà Vinh, khối lượng tiêu thụ có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của EVN.

Theo lãnh đạo EVN cho biết, để tiêu thụ tro xỉ có kết quả tốt như vậy, EVN đã chủ động trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp. Hiện nay, tất cả các nhà máy nhiệt điện của EVN đều đã có giấy chứng nhận chất lượng tro xỉ đạt tiêu chuẩn Việt Nam để sử dụng làm vật liệu xây dựng, vật liệu không nung, phụ gia, vật liệu san lấp, vật liệu làm nền đường, đáp ứng các quy định về môi trường và được coi là “chất thải rắn công nghiệp thông thường” và được quản lý như hàng hóa theo quy định của Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 và Thông tư 02/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bên cạnh đó, EVN đã ban hành mẫu đề án xử lý, tiêu thụ tro xỉ, thạch và mẫu hồ sơ mời xử lý tro xỉ. Các đơn vị đã tổ chức lựa chọn, ký hợp đồng tiêu thụ tro xỉ, thạch cao ngắn/dài hạn với các đối tác tiếp nhận và tiêu thụ tro xỉ.

Tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện than được sử dụng làm nhiều sản phẩm phụ trợ khác. (Ảnh minh họa)

EVN cũng chủ động tìm kiếm các thị trường tiêu thụ tro xỉ mới, đặc biệt cho các nhà máy điện khu vực Vĩnh Tân như vận chuyển bằng đường biển đến các thị trường khu vực miền Bắc và miền Nam, giải pháp sử dụng tro xỉ làm cốt nền đường giao thông, sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp trong khu vực.

EVN cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng sớm ban hành hướng dẫn về định mức, đơn giá, thi công, nghiệm thu tại các dự án sử dụng tro xỉ nhiệt điện trong các công trình giao thông, xây dựng. Xem xét, có ý kiến đề xuất với các Bộ, ban, ngành và đặc biệt là UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hỗ trợ, triển khai thực hiện giải pháp sử dụng tro xỉ trong các công trình xây dựng, giao thông. Hoàn thiện các quy chuẩn Việt Nam liên quan đến sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp và làm nền đường ô tô.

Tỷ lệ tiêu thụ tro, xỉ tăng lên hàng năm

Ông Phạm Trọng Thực, Phó Cục trưởng Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, kết quả kiểm tra, giám sát cho thấy, tỷ lệ tiêu thụ tro, xỉ tại các nhà máy nhiệt điện, hóa chất đã tăng lên hàng năm. Nếu như năm 2018, tỷ lệ tiêu thụ mới đạt 38,5%, đến năm 2020, đã nâng lên 50%. Toàn ngành phấn đấu năm 2025 đạt khoảng 80%.

Để làm được điều này, Cục đã có chiến lược về công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt đối với ngành năng lượng, như: Xử lý tro, xỉ, bảo vệ môi trường đối với nước thải của các nhà máy nhiệt điện; khai thác hầm lò chú ý đến quản lý khí mê tan, bụi, nước ngầm trong quá trình sản xuất... Cục cũng yêu cầu chủ doanh nghiệp phải đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường.

Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 1818/QĐ-BCT ngày 20/7/2021 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng.

Nguồn: Kinh tế Môi trường