Vừa qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) phát đi thông báo đấu giá toàn bộ khoản nợ của CTCP Năng lượng Someco 1 theo hai hợp đồng tín dụng bằng cả nội tệ lẫn ngoại tệ từ năm 2009.
Cụ thể, theo Doanh nghiệp Niêm Yết, khoản vay bằng nội tệ có số tiền vay là 141,4 tỷ đồng. Dư nợ gốc và lãi tính đến cuối năm 2020 lần lượt là 113,7 tỷ đồng và 116,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Someco 1 còn một khoản vay khác bằng ngoại tệ với Agribank trị giá 3,7 triệu USD. Tính đến 31/12/2020, dư nợ gốc là 666.706 USD và lãi là 437.240 USD.
Ngân hàng cho biết số tiền lãi nêu trên sẽ tiếp tục phát sinh kể từ ngày 1/1/2021 cho đến khi Someco 1 thanh toán hết nợ gốc tiền vay tại Agribank.
Tài sản đảm bảo của khoản nợ là công trình thủy điện Bắc Giang, bao gồm các hạng mục kiến trúc công trình, máy móc thiết bị, tư vấn giải phòng mặt bằng.... cấu thành nên dự án thủy điện Bắc Giang. Kèm theo đó là các quyền khai thác, sử dụng công trình thủy điện theo quy định tại bản Đống Mác, xã Quý Hòa, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn.
Toàn bộ khoản nợ sẽ được đấu giá theo phương thức có sao bán vậy bao gồm nguyên trạng khoản nợ, tình trạng pháp lý và các rủi ro tiềm ẩn. Giá khởi điểm đấu giá khoản nợ là 193 tỷ đồng, chưa bao gồm các loại thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác.
Đây không phải lần đầu tiên Agribank rao bán khoản nợ của CTCP Năng lượng Someco 1. Trước đó, khoản nợ này đã từng được rao bán vào ngày 5/8 với mức giá cao hơn, tuy nhiên lần này, giá đã là 193 tỉ đồng, nghĩa là đã giảm khoảng hơn 20 tỉ đồng.
Thời gian gần đây, Agribank rao bán đấu giá nhiều khoản nợ (Hình ảnh minh họa)
Có thể thấy trong các lần thông báo đấu giá gần đây, mỗi lần rao bán không thành công, Agribank giảm giá khởi điểm thêm 10%. Trong tháng 8 vừa qua, Agribank đã "miệt mài" rao bán đấu giá nhiều khoản nợ.
Có thể kể đến Agribank Chi nhánh Cầu Giấy thông báo việc bán đấu giá khoản nợ của CTCP Hoàng An vào ngày 25/8 vừa qua. Tổng giá trị khoản nợ hơn 76,6. Trong đó, dư nợ gốc hơn 37,8 tỷ đồng và tổng dư nợ lãi hơn 38,7 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo gồm máy móc, xe ô tô tải, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất,... Giá khởi điểm của khoản nợ hơn 69,7 tỷ đồng.
Trước đó, vào ngày 19/8/2021, Agribank thông báo đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty TNHH Tập đoàn Xuân Lãm. Cụ thể, mức giá khởi điểm cho khoản nợ đấu giá là 312,491 tỷ đồng, chưa bao gồm các loại thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Khoản vay của Tập đoàn Xuân Lãm được đảm bảo bởi các quyền sử dụng đất, máy móc thiết bị với tổng trị giá 122,7 tỷ đồng. Cụ thể, 3 quyền sử dụng đất có diện tích lần lượt 2.657m2, 10.556m2 tại phường Trưng Vương, 12.607 m2 tại phường Thanh Sơn (TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh); 3 máy xúc lật; 1 xe ủi bánh xích.
Agribank cho biết, toàn bộ khoản nợ được đấu giá theo nguyên trạng (bao gồm nguyên trạng khoản nợ, tình trạng pháp lý và các rủi ro tiềm ẩn) và theo phương thức có sao bán vậy. Người tham gia đấu giá khoản nợ có trách nhiệm xem xét, tìm hiểu các hồ sơ khoản nợ và tự xác định tình trạng của khoản nợ theo hiện trạng thực tế, các hồ sơ pháp lý của khoản nợ...
Trong tháng 8 vừa qua, Agribank cũng tiến hành rao bán đấu giá tài sản với giá khởi điểm vài chục tỷ đồng. Chẳng hạn, Agribank Chi nhánh Hùng Vương rao bán 4 tài sản đảm bảo với tổng giá khởi điểm hơn 41 tỷ đồng gồm:
Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất thuộc thửa đất số 55A-1, tờ bản đồ số 05 với diện tích 167m2 tại quận Long Biên, thành phố Hà Nội; tại địa chỉ Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội; tại địa chỉ khu đô thị Tây Nam hồ Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai thành phố Hà Nội; tại địa chỉ: Phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Như vậy, chỉ trong tháng 8/2021, Agribank đã thông báo bán đấu giá tài sản khoảng 15 lần với giá trị từ vài trăm triệu đến hàng trăm tỷ đồng. Phần lớn các khoản nợ rao bán nhiều lần kèm đại hạ giá nhưng việc tìm người mua vẫn gặp nhiều khó khăn.
Theo Vietstock, tại thời điểm 30/6/2021, nợ xấu của Agribank cũng tăng 13% so với đầu năm, lên gần 24.429 tỷ đồng. Trong đó, nhóm nợ có cả khả năng mất vốn giảm 12.5% về mức 14.311 tỷ đồng nhưng nhóm nợ dưới tiêu chuẩn lại tăng 90% lên 5.211 tỷ đồng và nợ nghi ngờ tăng vọt 102% lên gần 4.906 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính riêng giữa niên độ 2021 (Nguồn: Vietstock)
Nợ cần chú ý tại Agribank (nợ nhóm 2 - với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) tăng 24% lên hơn 37.147 tỷ đồng. Con số này còn lớn hơn cả 3 nhóm nợ trên cộng lại. Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của Agribank tăng nhẹ 1,78% hồi đầu năm lên 1,98%.
Như vậy, trong hoàn cảnh giãn cách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vẫn "miệt mài" rao bán các khoản nợ khủng để thu hồi nợ xấu.
Cùng với những cái tên như BIDV, ViettinBank, MBBank, thì Agribank cũng là một cái tên liên tục phát mại tài sản thu hồi nợ với giá trị lên tới hàng trăm tỉ đồng. Vậy, với diễn biến thị trường với diễn biến dịch bệnh Covid-19 kéo dài như hiện nay, thì việc xử lý các tài sản đảm bảo thu hồi nợ của Agribank nói riêng và nhiều ngân hàng nói chung gặp khó khăn như thế nào?
Với Agribank thời gian vừa qua, công việc này gặp nhiều khó khăn vì nhiều tài sản rao bán và đại hạ giá nhiều lần nhưng vẫn không tìm được người mua. Trong lần đấu giá tới đây, liệu có hi vọng nào về 'đầu ra' cho các tài sản phát mại tiếp theo hay không?