Bích Ngọc ·
1 năm trước
 1638

Trong ngày vía Thần Tài giá vàng biến động ra sao?

Giá vàng trong nước ngày 31/1 tăng 400.000 đồng/lượng, lên mức 66,3 - 67,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Ghi nhận lúc 8 giờ 43 phút, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,3 - 67,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi ở chiều mua vào và tăng 400.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,3 - 67,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), so với chốt phiên hôm qua là không đổi.

Tại CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 66,3 - 67,3 (mua vào - bán ra) ở thị trường Hà Nội, so với cuối phiên hôm qua là không đổi.

Trong phiên giao dịch 30/1, giá vàng thế giới đi xuống, khi các nhà đầu tư hướng tới cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này giữa những kỳ vọng về sự giảm tốc chương trình tăng lãi suất.

Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.924,05 USD/ounce. Bên cạnh đó, giá vàng giao dịch kỳ hạn của Mỹ giảm 0,3% xuống 1.922,9 USD/ounce.

Theo thống kê gần chục năm qua cho thấy có đến 8 năm giá vàng giảm mạnh sau ngày vía Thần Tài. Mức giảm theo giá đóng cửa giữa hai phiên khoảng 100.000-300.000 đồng, có năm biến động hơn một triệu đồng. Những năm xuất hiện lực bán đột biến, một số hệ thống kim hoàn lớn còn phải nới rộng biên độ giữa giá mua và bán lên 1,5 triệu đồng, trong khi bình thường dưới một triệu đồng.

Theo ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, thị trường vàng hiện nay cạnh tranh không hoàn hảo (không nhiều người mua, người bán và không hình thành giá bình quân) nên chỉ cần một lực bán khoảng 1.000 lượng đã đủ khiến thị trường xoay chiều. Do đó, để giảm thiểu rủi ro xuất phát từ những nhóm đầu cơ trong dịp này, các nhà vàng thường nới rộng biên độ mua bán và điều chỉnh liên tục sau ngày vía Thần Tài.

Không chỉ sau một ngày mà nhiều ngày sau đó, giá vàng có xu hướng hạ nhiệt đáng kể so với ngày vía Thần Tài. Cụ thể, 6 trong 10 năm gần nhất ghi nhận giá vẫn đi xuống sau nửa tháng với mức giảm phổ biến khoảng 300.000 đồng một lượng, cũng có năm (như 2013), giá giảm gần 2 triệu đồng.

Riêng 2022 là trường hợp ngoại lệ khi giá vàng vẫn tăng bền bỉ sau dịp vía Thần Tài. Từ mức đóng cửa 62,2 triệu đồng vào ngày này, giá tăng lên 63,2 triệu sau một tuần và lên 65,8 triệu sau nửa tháng. Tuy nhiên, diễn biến này được các chuyên gia đánh giá có nguyên nhân bất thường là giá thế giới không ngừng tăng do căng thẳng Nga – Ukraine leo thang và lo ngại lạm phát kéo dài.