Trong tháng 7, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố kế hoạch thực hiện Cơ chế điều chỉnh khí thải tại biên giới (CBAM), hay còn gọi là thuế khí thải, buộc một số công ty nhập khẩu hàng hoá vào EU phải đóng phí khí thải tại biên giới đối với những hàng hóa gây ô nhiễm như thép từ năm 2026.
Ngày 26/7, Phát ngôn viên của Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc Liu Youbin cho biết, CBAM là một biện pháp đơn phương nhằm mở rộng vấn đề chống biến đổi khí hậu sang lĩnh vực thương mại và vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Điều này đã làm suy giảm nghiêm trọng lòng tin lẫn nhau trong cộng đồng toàn cầu cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế.
Theo các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phát triển Công nghiệp và Quản lý Môi trường của Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), với vị thế là nhà sản xuất nguyên liệu thô hàng đầu thế giới như thép và ximăng, Trung Quốc có thể chịu thiệt hại nhiều nhất do kế hoạch đánh thuế của EU.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu này cho rằng không có bằng chứng cho thấy thuế quan sẽ có ảnh hưởng bất lợi lâu dài đến đà phát triển của Trung Quốc.
Ông Liu Youbin nhắc lại lập trường của Trung Quốc rằng phản ứng của mỗi quốc gia đối với vấn đề khí hậu cần tính đến vấn đề phát triển kinh tế đồng thời lưu ý thuế khí thải sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến sự sẵn sàng và khả năng của các quốc gia trong việc giải quyết vấn đề này.
Việc Trung Quốc đưa ra lời nhận định trên là có căn cứ khi quốc gia này là một trong những quốc gia sản xuất công nghiệp nặng hàng đầu thế giới, và việc EU áp thuế khí thải là điều hoàn toàn đúng khi tình trạng ô nhiễm môi trường gây nên những hậu quả biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề như hiện nay. Tuy nhiên, liệu việc áp thuế này có làm giảm đi sự ô nhiễm không? Điều này có làm nhà sản xuất chùn bước, giảm thiểu nhất khả năng gây ô nhiễm môi trường chỉ vì bị áp thêm thuế khí thải? Tôi nghĩ rằng điều này chỉ xảy ra khi chúng ta thật sự nhận thức rõ việc ô nhiễm đã và đang nghiêm trọng tới mức nào. Còn bạn, bạn nghĩ sao?
Thông tin từ Vietnamplus