Sáng 25/3, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM tổ chức họp báo về triển khai thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn thành phố. Theo đó, việc triển khai thu phí sẽ bắt đầu từ 0 giờ ngày 1/4.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, việc triển khai thu phí hạ tầng cảng biển nhằm thực hiện Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND ngày 25/6/2021 của Hội đồng Nhân dân thành phố về việc sửa đổi, bổ sung Khoản 5 Điều 1, Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của Hội đồng Nhân dân thành phố ban hành mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM.
Đối tượng áp dụng bao gồm các tổ chức, cá nhân thực hiện cung cấp dịch vụ, nhiệm vụ thu phí và các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, vận chuyển, lưu giữ hàng hóa sử dụng công trình kết câu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển TP.HCM.
Mức phí sử dụng hạ tầng cảng biển đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, áp dụng mức thu 50.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; 4,4 triệu đồng/container với container 40 feet (ft) và 2,2 triệu đồng/container với container 20 ft.
Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM, sẽ áp dụng mức 500.000 đồng/container đối với container 20 ft; 1 triệu đồng/container đối với container 40 ft và 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.
Với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM, áp dụng mức thu là 250.000 đồng/container 20 ft; 500.000 đồng/container 40 ft và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.
Mặt khác, TP.HCM sẽ miễn thu phí đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.
Việc nộp phí không sử dụng tiền mặt. Các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp phí sử dụng các hạ tầng giao dịch điện tử liên ngân hàng để nộp phí cho cơ quan thu phí thông qua hệ thống 24/7 của ngân hàng thương mại. Hoạt động thu phí được thực hiện không làm ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng hóa của doanh nghiệp.
Ông Bùi Hoà An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, số tiền thu được sau khi trích cho đơn vị thu phí sẽ nộp ngân sách, bố trí đầu tư hạ tầng giao thông quanh cảng. Trước mắt, nguồn thu được thành phố sử dụng để đầu tư các dự án khu vực cảng Cát Lái, Phú Hữu (TP Thủ Đức), như mở rộng đường Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh, Võ Chí Công; hoàn chỉnh nút giao Mỹ Thủy...
Tại khu cảng Sài Gòn (quận 4), thành phố sẽ đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 kết nối qua quận 7 và giảm ùn tắc nút giao Huỳnh Tấn Phát - Lưu Trọng Lư - Nguyễn Văn Linh; mở rộng đường Lưu Trọng Lư kết nối cảng Tân Thuận với đường Nguyễn Văn Linh...
Theo ông An, nếu đúng kế hoạch thu phí từ tháng 7 năm ngoái, đến năm 2025 mức thu về ngân sách dự tính khoảng 16.000 tỷ đồng, góp phần đẩy nhanh thực hiện các dự án trên. "Việc thu phí và tái đầu tư hạ tầng quanh cảng là sự hỗ trợ lâu dài cho doanh nghiệp", ông An nói và cho biết khi giao thông tốt lên, thời gian vận chuyển hàng được rút ngắn, các đơn vị vận tải và doanh nghiệp xuất nhập khẩu hưởng lợi nhiều hơn.
Hà Lan
Nguồn: Kinh tế Môi trường