Thanh Tâm ·
1 năm trước
 2431

Tỷ lệ rác thải nhựa được tái chế tại Mỹ ngày càng giảm mạnh

Theo Tổ chức Hòa Bình xanh (Greenpeace), các hộ gia đình ở Mỹ đã thải ra khoảng 51 triệu tấn rác thải nhựa trong năm 2021, nhưng chỉ 2,4 triệu tấn (tương đương khoảng 5%) trong số đó được tái chế.

Theo báo cáo của tổ chức Hoà bình Xanh (Greenpeace) Mỹ công bố ngày 24/10, tỷ lệ nhựa tái chế đang giảm trong khi sản lượng nhựa mới nguyên chất lại tăng nhanh, khiến những cam kết về việc xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn và hiệu quả đang trở thành "điều viển vông".

Nghiên cứu của Greenpeace Mỹ đã chỉ ra rằng các hộ gia đình ở nước này đã thải ra khoảng 51 triệu tấn rác thải nhựa trong năm 2021, nhưng chỉ 2,4 triệu tấn (tương đương khoảng 5%) trong số đó được tái chế.

Trung bình, mỗi người Mỹ thải ra 130kg rác thải nhựa mỗi năm, theo sau đó là Anh với 99kg mỗi người mỗi năm, xếp thứ ba là Hàn Quốc với 88kg mỗi người/năm.

Sau khi tỷ lệ rác thải nhựa được tái chế đạt đỉnh là khoảng 10% vào năm 2014, tỷ lệ này đã giảm dần. Trong khi đó, sản lượng nhựa mới nguyên chất đang tăng nhanh khi ngành hóa dầu phát triển làm giảm giá thành.

Ảnh minh họa.

Báo cáo liệt kê ra 5 lý do khiến các doanh nghiệp không mặn mà với việc thu gom rác thải nhựa để tái chế :

Thứ nhất, đó là chất thải nhựa được tạo với số lượng lớn và khó thu gom.

Thứ hai, ngay cả khi tất cả được thu gom, hỗn hợp rác thải nhựa không thể được tái chế cùng nhau mà hỏi phải phân loại chúng.

Thứ ba, bản thân quá trình tái chế có hại cho môi trường, khiến người lao động phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại và tạo ra vi nhựa.

Thứ tư, nhựa tái chế có nguy cơ nhiễm độc do ô nhiễm với các loại nhựa khác trong thùng thu gom rác và vì thế chúng không thể tái chế để trở thành vật dụng an toàn.

Và cuối cùng, quá trình tái chế rác thải nhựa rất tốn kém.

Do vậy, trên phương diện kinh tế, sản xuất mới các vật dụng bằng nhựa hiệu quả và có tính cạnh tranh hơn so với tái chế nhựa, khi chi phí sản xuất rẻ hơn nhiều và chất lượng cao hơn.

Theo Greenpeace Mỹ, chỉ có 2 loại nhựa được chấp nhận tại 375 cơ sở thu hồi vật liệu này ở Mỹ, gồm nhựa PET và HDPE được ký hiệu lần lượt là số 1 và số 2 trong danh sách gồm 7 loại nhựa được đánh số tùy theo đặc tính. Nhựa PET được cho là nhựa an toàn, dễ tái chế, thường được sử dụng làm chai đựng chất lỏng và soda.

Nhựa HDPE có màu đục, bề mặt trơn nên khó tích tụ vi khuẩn, ít bị thấm nước. Vì thế loại nhựa này cũng được đánh giá an toàn với thực phẩm, thường được dùng làm bình đựng sữa, chai dầu gội đầu và các chai, lọ đựng chất tẩy rửa.

Theo báo cáo, tỷ lệ các sản phẩm nhựa PET được tái chế hiện là 20,9%, nhựa HDPE là 10,3%, giảm nhẹ so với báo cáo gần nhất vào năm 2020. Trong khi đó, các loại nhựa được ký hiệu từ số 3 đến số 7 thường thấy ở đồ chơi trẻ em, túi nilon, màng bọc thực phẩm, hộp sữa chua và bơ, cốc đựng cà phê và thực phẩm mang đi với tỷ lệ tái chế dưới 5%.

Dù có ký hiệu tái chế trên nhãn sản phẩm, nhưng các sản phẩm nhựa từ số 3 đến số 7 hiện không đáp ứng phân loại tái chế của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ. Lý do được đưa ra là hiện chưa có các cơ sở tái chế các sản phẩm nhựa này và các sản phẩm được thu gom không được sử dụng trong sản xuất các mặt hàng mới.

Theo báo cáo, các sản phẩm nhựa mới đang cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm nhựa tái chế khi có giá thành rẻ hơn và chất lượng cao hơn. Do đó, nhà hoạt động Lisa Ramsden thuộc Greenpeace Mỹ kêu gọi các doanh nghiệp ủng hộ Hiệp ước Nhựa toàn cầu mà các thành viên của Liên hợp quốc (LHQ) đã nhất trí vào tháng 2 năm nay và hành động để tiến tới chiến lược tái sử dụng. Bà nhắc lại cách làm của hãng đồ uống Coca-Cola trước đây rằng người tiêu dùng sử dụng hết sản phẩm và trả lại chai thủy tinh cho nhà sản xuất để tái sử dụng.

Hiện một số quốc gia đang tích cực triển khai theo hướng này, trong đó Ấn Độ đã cấm 19 sản phẩm nhựa dùng một lần. Áo đặt mục tiêu tái sử dụng 25% vỏ đồ uống vào năm 2025 và ít nhất 30% vào năm 2030, trong khi mục tiêu của Bồ Đào Nha là 30% vào năm 2030. Chile đang dần loại bỏ dao kéo dùng một lần và bắt buộc sử dụng chai, lọ tái sử dụng.

Sản lượng nhựa toàn cầu đã tăng từ 20 triệu tấn vào năm 1966 lên 381 triệu tấn vào năm 2015, tăng gấp 20 lần trong nửa thế kỷ. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có gần một nghìn loài sinh vật biển dễ bị vướng vào rác thải nhựa hoặc ăn phải các hạt vi nhựa, cuối cùng đi vào cơ thể người thông qua chuỗi thức ăn.

Theo báo cáo đệ trình lên chính phủ liên bang Mỹ vừa qua, cũng ước tính có khoảng 8 triệu tấn chất thải nhựa xả trực tiếp ra môi trường hàng năm, "tương đương việc đổ một xe rác thải nhựa ra đại dương mỗi phút". Với tốc độ hiện tại, lượng nhựa thải ra biển có thể lên tới 53 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030, gần bằng một nửa tổng trọng lượng cá đánh bắt từ đại dương hàng năm.