Bích Ngọc ·
1 năm trước
 1517

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt hơn 400 trường hợp trong 10 tháng đầu năm 2022

Bộ Tài chính cho biết, để đảm bảo tính minh bạch của thị trường sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực, tổ chức nhiều đoàn thanh tra giám sát...

Mới đây, trong thông cáo báo chí mới công bố về tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 10/2022, Bộ Tài Chính đã điểm qua về công tác công tác giám sát và xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán.

Bộ Tài chính cho biết, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành 51 quyết định xử phạt với tổng số tiền xử phạt 3,337 tỷ đồng trong tháng 10/2022. Bên cạnh đó, tính từ đầu năm đến nay, có 400 trường hợp bị UBCKNN quyết định xử phạt với tổng số tiền xử phạt là hơn 30 tỷ đồng.

Tính đến 31/10, tình hình thị trường chứng khoán nói chung có chỉ số VN-Index đạt 1.027,94 điểm, so với cuối tháng trước giảm 9,2% và so với cuối năm 2021 giảm 31,4%. Tiếp đó, chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 214,31 điểm, so với cuối tháng trước giảm 14,4% và so với cuối năm 2021 giảm 54,8%.

Được biết, tại ngày 27/10/2022 mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM ước đạt 5,34 triệu tỷ đồng, so với cuối năm 2021 giảm 31% (tương đương 63,6% GDP).

Giá trị giao dịch bình quân đạt 13.030 tỷ đồng/phiên trong tháng 10 so với tháng trước giảm 16,7%. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 21.365 tỷ đồng/phiên, so với bình quân năm trước giảm 19,7%.

Chiều 29/10, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022, báo chí đã đưa ra câu hỏi với Bộ Tài chính, vì sao thị trường chứng khoán diễn biến bất thường, giá trị vốn hóa bị "bốc hơi" trong khi nền kinh tế vĩ mô ổn định, GDP thì tăng trưởng, đồng thời yêu cầu Bộ Tài chính cho biết giải pháp.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, điều này xuất phát từ không chỉ một mà rất nhiều nguyên nhân, cả từ tình hình quốc tế và tình hình trong nước như lạm phát toàn cầu tăng, kinh tế thế giới và chính sách tiền tệ của những nền kinh tế lớn thay đổi; xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp; các điều chỉnh trong chính sách, đặc biệt là chính sách tiền tệ trong nước...

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng nêu rõ giải pháp bằng cách yêu cầu các công ty tham gia thị trường thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công bố thông tin, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, "không trình bày nhiều", vi phạm là xử lý theo quy định của pháp luật. Từ đó giữ cho thị trường chứng khoán vận hành một cách ổn định và an toàn, đảm bảo trong mọi tình huống cần tăng cường minh bạch.

Bộ Tài chính cho biết sẽ tập trung nguồn lực, tổ chức nhiều đoàn thanh tra giám sát thị trường chứng khoán để kịp thời phát hiện các vi phạm trên thị trường. Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, những trường hợp vi phạm đều bị xử lý ngay và công bố, công khai, như vậy mới đảm bảo được tính minh bạch của thị trường

Bộ Tài chính cũng tăng cường thông tin chính thống chính xác, kịp thời; xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin đồn thất thiệt song song với rà soát các quy định của pháp luật về chứng khoán và các văn bản hướng dẫn để có những phương án sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Theo Bộ Tài chính, trong tháng 10/2022, về thị trường trái phiếu giá trị giao dịch bình quân đạt 3.847 tỷ đồng/phiên, so với tháng trước giảm 41,5%. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 8.611 tỷ đồng/phiên, so với bình quân năm trước giảm 24,5%. Đến cuối tháng 9/2022, thị trường có 439 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.699 nghìn tỷ đồng, so với năm 2021 tăng 7,9% (tương đương 20,2% GDP).

Ảnh minh họa.

Điểm mặt một số doanh nghiệp bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt

Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng TSG

Theo đó, do báo cáo không đúng thời hạn theo quy định pháp luật cho UBCKNN, công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng TSG bị phạt tiền 60 triệu đồng. Đồng thời, doanh nghiệp này bị phạt tiền 250 triệu đồng do chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ nhưng không đăng ký với UBCKNN. Cụ thể, công ty này không đăng ký với UBCKNN thế nhưng vẫn thực hiện đợt phát hành năm 2021 để tăng vốn từ 120 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng.

Được biết, công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng TSG đã thực hiện 2 đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông (đợt phát hành năm 2017 để tăng vốn từ 12 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng; đợt phát hành năm 2019 để tăng vốn từ 100 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng) nhưng không đăng ký với UBCKNN.

UBCKNN yêu cầu doanh nghiệp này phải thu hồi cổ phiếu đã chào bán và phải hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua cổ phiếu hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu hoặc lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức vi phạm mở tài khoản thu tiền mua cổ phiếu hoặc tiền đặt cọc.

Công ty cổ phần quản lý quỹ BVIM

Công ty cổ phần quản lý quỹ BVIM cũng đã bị UBCKNN xử phạt 85 triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm hành chính không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.

Theo đó, Công ty cổ phần quản lý quỹ BVIM không công bố thông tin trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN và trên website của Công ty về việc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021; Công ty công bố thông tin không đúng thời hạn về việc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021.

Đồng thời, doanh nghiệp này cũng bị phạt tiền 60 triệu đồng đối với hành vi không ban hành đầy đủ các quy trình nội bộ, quy trình nghiệp vụ.

Công ty cổ phần chứng khoán Trí Việt 

Công ty cổ phần chứng khoán Trí Việt cũng bị UBCKNN ban hành quyết định xử phạt 150 triệu đồng do vi phạm quy định về nhận lệnh và thực hiện lệnh giao dịch của khách hàng. Được biết, doanh nghiệp này đã cho một số khách hàng đặt lệnh mua chứng khoán khi không có đủ tiền theo quy định.

Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong (TPS)

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đối với Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong (TPS) liên quan hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành trái phiếu riêng lẻ và cho vay ký quỹ (margin) tại doanh nghiệp này.

Theo Ủy ban Chứng khoán, trong các hồ sơ tư vấn phát hành trái phiếu riêng lẻ của một số công ty cổ phần chưa đại chúng năm 2022, đã không có thỏa thuận về đối tượng được bán trái phiếu trong nội dung hợp đồng tư vấn và đại lý phát hành trái phiếu giữa TPS và khách hàng.

Cho thấy doanh nghiệp chưa tuân thủ đầy đủ trách nhiệm của tổ chức tư vấn khi cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành trái phiếu trong việc rà soát đáp ứng quy định về điều kiện chào bán và hồ sơ chào bán trái phiếu theo quy định. TPS đã bị xử phạt hành chính 125 triệu đồng với vi phạm này.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng bị phạt 125 triệu đồng vì vi phạm quy định cho khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ vượt quá sức mua hiện có trên tài khoản của khách hàng. 250 triệu đồng là tổng cộng số tiền TPS bị xử phạt hành chính lần này.

Công ty CP Chứng khoán Phố Wall

Công ty CP Chứng khoán Phố Wall mới đây cũng bị xử phạt 175 triệu đồng do vi phạm quy định về quản lý chứng khoán của khách hàng. Trước đó, vào tháng 1/2022, doanh nghiệp cũng bị xử phạt hành chính 85 triệu đồng do vi phạm quy định về hạn mức cho vay giao dịch ký quỹ (vay margin).

Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam

Tương tự,  do vi phạm quy định về hạn chế giao dịch ký quỹ công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam cũng bị phạt tiền 125 triệu đồng. Cơ quan quản lý cho biết, từ ngày 10/6 đến 4/7, Chứng khoán KB Việt Nam đã cho vay giao dịch ký quỹ đối với cổ phiếu của Công ty CP Địa ốc First Real (FIR). Tuy vậy, cổ phiếu FIR lại không nằm trong danh sách chứng khoán được phép giao dịch ký quỹ từ ngày 10/6 do Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM công bố.

Hai công ty gồm Chứng khoán An Bình và Chứng khoán Everest

Ủy ban Chứng khoán trước đó cũng đã xử phạt hai công ty gồm Chứng khoán An Bình và Chứng khoán Everest do có vi phạm trong hoạt động tư vấn, công bố thông tin sai lệch tại các hồ sơ chào bán trái phiếu của công ty liên quan Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Công ty cổ phần Xây dựng Alvico (phạt 180 triệu đồng).

Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định xử phạt đối với Công ty cổ phần Xây dựng Alvico (mã chứng khoán: ALV) vào ngày 31/03/2022 với tổng tiền phạt 180 triệu đồng với 3 lý do: báo cáo không đúng thời hạn theo quy định pháp luật (phạt 50 triệu đồng), công bố thông tin sai lệch (phạt 70 triệu đồng), công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật (phạt 60 triệu đồng). 

Cụ thể, Alvico đã thay đổi mục đích sử dụng vốn phát hành thu được từ đợt chào bán riêng lẻ năm 2018. Công ty chỉ báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019 (diễn ra ngày 27/12/2019) nhưng lại không báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 (diễn ra ngày 15/6/2019).

Tiếp đó, công ty đã công bố thông tin sai lệch đối với số liệu các chỉ tiêu Dự phòng các khoản phải thu khó đòi, Chi phí quản lý doanh nghiệp và Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp tại Báo cáo tài chính năm 2019.

Không dừng lại ở đó, doanh nghiệp còn công bố thông tin không đúng thời hạn trên trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đối với báo cáo tài chính năm 2020 đã kiểm toán, Báo cáo tình hình quản trị Công ty năm 2020 và công bố thông tin không đúng thời hạn trên Hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với Thông báo doanh nghiệp kiểm toán đã ký hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính năm 2020, Báo cáo thường niên năm 2020, báo cáo tài chính năm 2019, năm 2020 đã kiểm toán.