Sợi dệt tự nhiên từ cây thùa (danh pháp khoa học là Furcraea) tại Colombia chủ yếu được chế biến thành các túi cà phê để xuất khẩu trên khắp thế giới. Tuy nhiên, Escobar cho rằng nguyên liệu này chưa được sử dụng hết tiềm năng của chúng.
Escobar đã tìm thấy những lổ hổng làm mất giá trị của loại sợi dệt này trong quá trình sản xuất túi cà phê. Cô tin rằng hoàn toàn có thể tái chế sợi dệt phế thải thành đồ nội thất và hàng dệt may.
Để chứng minh, cô đã sử dụng vật liệu này để tạo ra một số đồ nội thất như ghế dài, ghế đẩu và thảm.
Escobar chia sẻ rằng: “Ngành công nghiệp chế biến sợi dệt khổng lồ này hoàn toàn phụ thuộc vào một ngành công nghiệp khác, đó là ngành cà phê, và điều này khiến việc sản xuất sợi dệt dễ bị tổn thương. Tôi muốn tạo ra tiếng nói riêng cho chất liệu này và sản xuất ra những sản phẩm mới khiến chúng ta kết nối với sợi vải một cách khác biệt.”
Escobar đã phát triển dự án có tên Unraveling the Coffee Bag như một phần cho bài tốt nghiệp cử nhân của mình tại Học viện Thiết kế Eindhoven (DAE), Hà Lan.
Cô cảm thấy điều quan trọng là phải phát triển những ý tưởng phù hợp với vòng đời của vật liệu, thay vì đặt ra nhiều yêu cầu cao đối với một ngành nông nghiệp vốn đã kém phát triển. Để làm được điều này, cô đã tìm hiểu từng giai đoạn trong quá trình từ sợi thực vật đến sản phẩm. Cô cho biết: “Trong giai đoạn sản xuất loại sợi dệt này, tôi đã tìm thấy những cơ hội mà chất thải có thể được tái sử dụng.”
Cơ hội đầu tiên là khi các sợi xơ được thu hoạch. Khi vật liệu được chải kỹ, nó tạo ra một sản phẩm phụ, tạm gọi là một loại lông tơ, và từ vật liệu này có thể làm ra vải nỉ.
Escobar cũng phát hiện ra rằng phần lớn túi cà phê bị bỏ đi sau khi sử dụng trong khi chúng hoàn toàn có thể tái sử dụng để làm vải dệt bằng thoi.
Escobar đã trình bày dự án của mình trong Tuần lễ Thiết kế Hà Lan vào tháng 10, và cả tại triển lãm sau đại học DAE do Design Indaba tổ chức.