Mới đây, Tổng Cục đường bộ Việt Nam vừa phê duyệt phương án tháo dỡ, hoàn trả mặt đường Trạm thu phí Cầu Rác (đặt trên Quốc lộ 1A thuộc xã Cẩm Trung, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) với kinh phí dưới 500 triệu đồng.
Được biết, Trạm thu phí Cầu Rác do Tổng Công ty Sông Đà làm chủ đầu tư. Trạm dùng để thu phí Dự án BOT Quốc lộ 1A đoạn tránh TP.Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) có chiều dài khoảng 16 km, hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 1/2009. Tuy nhiên, ngay sau khi đưa vào vận hành thu phí, đã có rất nhiều người dân huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh tập trung phản đối vì cho rằng họ không đi mét đường tránh nào cũng bị…thu phí.
Sau khi đã thu đủ tiền đầu tư, doanh nghiệp đầu tư dự án là Tổng Công ty Sông Đà dừng thu và bàn giao trạm thu phí cho nhà nước. Cuối tháng 12/2020 vừa qua Chi cục Quản lý đường bộ 2.3 (Cục Quản lý đường bộ 2, Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đã tiếp nhận tài sản dự án này.
Sau 2 năm dừng thu phí, trạm thu phí này vẫn chưa được tháo dỡ, đã gây cản trở giao thông, xảy ra nhiều vụ tai nạn. Bởi vậy, Chi cục Quản lý đường bộ 2.3 đã đề xuất cho phép thực hiện công trình “Sửa chữa đột xuất tháo dỡ, thanh lý Trạm thu phí Cầu Rác Km539+100, Quốc lộ 1; hoàn trả nền mặt đường và hệ thống An toàn giao thông” nhằm tháo dỡ công trình này.
Sau 2 năm dừng thu phí, trạm thu phí Cầu Rác vẫn chưa được tháo dỡ, đã gây cản trở giao thông, xảy ra nhiều vụ tai nạn. Ban đầu, trạm thu phí này được đề xuất tháo dỡ với mức kinh phí 3,3 tỷ đồng
Như đã thông tin, tới đây Trạm thu phí Cầu Rác sẽ được tháo dỡ với kinh phí dưới 500 triệu đồng.
Tuy nhiên, điều đáng bàn là trước đây Chi cục Quản lý đường bộ 2.3 đã đề xuất mức kinh phí phá dỡ công trình Trạm thu phí Cầu Rác là 3,3 tỷ đồng.
Thậm chí khi được PV Lao Động hỏi về việc tại sao mức kinh phí lại cao như vậy, ông Võ Trường Giang - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ 2.3 nói: “Nếu chỉ tháo dỡ Trạm thu phí thì không hết mấy đồng. Nhưng ở đây còn phải làm lại mặt đường để đồng bộ với kết cấu mặt đường Quốc lộ 1 nữa”.
Với những thông tin đó, vào cuối tháng 5 vừa qua, dư luận quan tâm về vấn đề này không ngừng đặt ra câu hỏi rằng tháo dỡ và hoàn trả Trạm thu phí Đèo Ngang (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) chỉ hết 1,8 tỷ đồng, vậy tại sao tháo dỡ và hoàn trả Trạm thu phí Cầu Rác lại mất đến 3,3 tỷ đồng? Và cụ thể công trình trạm thu phí Cầu Rác khối lượng, diện tích mặt đường cần hoàn trả bao nhiêu mà lại hết những 3,3 tỷ đồng?
Những câu hỏi nêu trên còn chưa được giải đáp thì thật bất ngờ khi Tổng Cục đường bộ Việt Nam vừa phê duyệt phương án tháo dỡ, hoàn trả mặt đường Trạm thu phí Cầu Rác (đặt trên Quốc lộ 1A thuộc xã Cẩm Trung, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) với kinh phí chỉ dưới 500 triệu đồng. Câu hỏi đặt ra là tại sao kinh phí tháo dỡ Trạm thu phí Cầu Rác lại "lao dốc" từ 3,3 tỷ xuống chỉ còn 500 triệu đồng?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Thanh Hoài - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 2 cho biết Khi trình có 2 phương án.
Trong đó,phương án 1 là tháo dỡ, hoàn trả đồng bộ mặt đường Quốc lộ tại trạm phu phí Cầu Rác bằng thảm nhựa thay thế mặt đường bằng bê tông với kinh phí hơn 3,3 tỷ đồng nhưng phương án đó không tiết kiệm được kinh phí nên không được duyệt.
Còn phương án 2 là tháo dỡ và hoàn trả lại mặt đường bằng bê tông với diện tích ít hơn, tiết kiệm được kinh phí nên nay đã được phê duyệt phương án 2 với kinh phí dưới 500 triệu đồng để tiết kiệm nhất ngân sách.
Vậy thì tại sao ngay từ đầu ông Võ Trường Giang - Chi cục trưởng không thông tin rằng có 2 phương án, và một phương án có thể sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều mà chỉ nói rằng kinh phí tháo dỡ hết 3,3 tỷ đồng gây bất bình trong dư luận? Để rồi đến khi phê duyệt phương án tháo dỡ 500 triệu đồng, nhiều người quan tâm đến dự án này không hiểu rằng đơn vị xét duyệt đã quyết định tháo dỡ và làm lại đường như thế nào để có thể tiết kiệm như vậy?
Thêm vào đó, tôi cũng đặt ra câu hỏi rằng tại sao chủ đầu tư là Tổng Công ty Sông Đà - đơn vị thu tiền phí trạm không phải là đơn vị tiến hành tháo dỡ, hoàn trả mặt đường, mà sau khi thu đủ tiền đã bàn giao tài sản cho Nhà nước và sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý? Liệu câu chuyện này có hợp lý không?